Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Bí quyết cho người bận rộn

Bí quyết cho người bận rộn

Bạn có thấy mình quá bận rộn không? Nếu có, không chỉ riêng bạn thấy vậy. Tạp chí The Economist cho biết: “Đâu đâu người ta cũng có vẻ bận rộn”.

Theo một cuộc khảo sát những người làm việc trọn thời gian trên tám quốc gia vào năm 2015, nhiều người cho biết rất khó để chu toàn cả công việc lẫn vai trò trong gia đình. Lý do là vì trách nhiệm tại sở làm hoặc tại nhà ngày càng nhiều, vật giá leo thang và giờ làm tăng lên. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, những người làm việc trọn thời gian làm trung bình 47 tiếng một tuần, và khoảng 20% người phải làm 60 tiếng hoặc hơn!

Theo một cuộc khảo sát khác trên 36 quốc gia, hơn 25% người cho biết họ thường thấy gấp gáp ngay cả trong thời gian rảnh rỗi! Trẻ em cũng bị ảnh hưởng do thời gian biểu quá tải, dày đặc các hoạt động.

Khi cố làm nhiều hơn những gì thời gian cho phép, chúng ta có thể bị căng thẳng, tức trở thành nạn nhân của điều mà người ta gọi là “áp lực thời gian”. Liệu chúng ta có thể sống thăng bằng hơn không? Niềm tin, sự lựa chọn và mục tiêu của chúng ta giúp ích ra sao? Đầu tiên, hãy xem bốn lý do khiến người ta quá bận rộn.

1 MUỐN CHU CẤP ĐẦY ĐỦ CHO GIA ĐÌNH

Một người cha tên Gary nói: “Tôi làm việc bảy ngày một tuần, vì luôn muốn cho con những thứ tốt hơn. Tôi muốn con nhận được những thứ mà mình chưa từng có”. Mặc dù có ý tốt nhưng cha mẹ cần xem xét thứ tự ưu tiên của mình. Theo vài nghiên cứu, những người lớn và trẻ em quá xem trọng tiền bạc, của cải thường ít hạnh phúc và thỏa nguyện hơn, thậm chí sức khỏe cũng yếu hơn so với những người không đặt nặng vấn đề vật chất.

Vì nỗ lực giúp con mình thành công trong tương lai, một số cha mẹ đã ép con cái tham gia rất nhiều hoạt động, và chính họ cũng bị cuốn theo những hoạt động đó. Hậu quả là cả hai đều mệt mỏi.

Thật ra, trẻ em trong gia đình chú trọng vật chất cảm thấy ít hạnh phúc hơn

2 TIN “CÓ CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT”

Các nhà quảng cáo khiến chúng ta tin rằng nếu không mua những sản phẩm mới nhất thì sẽ mất mát điều gì đó. Tạp chí The Economist bình luận: “Số lượng hàng hóa bùng nổ khiến [người tiêu dùng] luôn cảm thấy thiếu thời gian vì phải vắt óc để chọn mua gì hoặc ăn gì” trong khoảng thời gian hạn hẹp.

Vào năm 1930, một nhà kinh tế học hàng đầu đã tiên đoán rằng sự tiến bộ về công nghệ sẽ giúp người ta làm việc ít giờ hơn. Thật sai lầm! Một nhà báo của tờ New Yorker là bà Elizabeth Kolbert cho biết rằng thay vì về sớm nghỉ ngơi, người ta lại làm thêm để có nhiều thứ hơn, và những thứ này đòi hỏi tiền bạc và thời gian.

3 ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG CỦA NGƯỜI KHÁC

Một số nhân viên làm việc nhiều giờ đến kiệt sức để làm hài lòng chủ. Đồng nghiệp cũng có thể gây áp lực khiến người khác áy náy nếu không tăng ca. Kinh tế bất ổn khiến người ta sẵn lòng làm thêm hoặc có mặt ở sở làm vào bất cứ giờ nào.

Cha mẹ cũng có thể chịu áp lực phải chạy theo các gia đình khác. Nếu không, họ sẽ ray rứt vì để con cái mình “chịu thiệt thòi”.

4 THEO ĐUỔI THÀNH CÔNG VÀ HÌNH TƯỢNG BẢN THÂN

Anh Tim, sống tại Hoa Kỳ, cho biết: “Tôi từng yêu thích công việc và luôn làm cật lực. Tôi thấy cần phải chứng tỏ mình thành công”.

Như anh Tim, nhiều người nghĩ hình tượng bản thân có liên kết chặt chẽ với nhịp độ cuộc sống. Kết quả là gì? Bà Elizabeth Kolbert, được đề cập ở trên, nhận xét: “Xã hội đang thần tượng hóa người bận rộn”. Bà nói thêm: “Càng bận rộn, bạn càng có vẻ quan trọng”.

TẬP GIỮ THĂNG BẰNG

Kinh Thánh khuyến khích chúng ta cần mẫn và chịu khó làm việc (Châm ngôn 13:4). Nhưng sách này cũng khuyên nên giữ thăng bằng. Câu Truyền đạo 4:6 nói: “Thà một nắm tay đầy sự nghỉ ngơi còn hơn hai nắm tay đầy việc khó nhọc và đuổi theo luồng gió”.

Sống thăng bằng giúp ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Nhưng có thể nào giảm lượng công việc và bớt gấp gáp hơn không? Có. Hãy xem bốn bí quyết.

1 XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ VÀ MỤC TIÊU

Lo cho gia đình được ổn định phần nào về tài chính là điều bình thường. Nhưng bao nhiêu tiền thì đủ? Thế nào là thành công? Tiền lương hoặc của cải có phải là thước đo sự thành công không? Bên cạnh đó, nếu nghỉ ngơi và vui chơi quá nhiều, một người cũng có thể bị căng thẳng hơn vì áp lực thời gian.

Anh Tim, được đề cập ở trên, cho biết: “Vợ chồng tôi đã nghiêm túc xem lại đời sống và quyết định đơn giản hóa. Chúng tôi ghi ra tình trạng hiện tại và những mục tiêu mới. Chúng tôi thảo luận về việc các quyết định trước đây đã ảnh hưởng thế nào đến mình, và cần làm gì để thực hiện những mục tiêu mới”.

2 ĐỪNG ĐỂ BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI VĂN HÓA TIÊU DÙNG

Kinh Thánh khuyên nên kiểm soát “ham muốn của mắt” (1 Giăng 2:15-17). Quảng cáo có thể kích thích ham muốn ấy, thúc đẩy người ta làm thêm giờ hoặc không ngừng vui chơi. Đúng là không thể tránh mọi quảng cáo, nhưng bạn có thể hạn chế xem chúng. Hơn nữa, bạn cũng có thể suy xét kỹ điều mình thật sự cần.

Ngoài ra, hãy nhớ rằng bạn bè có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Nếu họ mải mê theo đuổi vật chất hoặc đo lường sự thành công bằng của cải, có lẽ bạn nên khôn ngoan kết bạn với những người biết ưu tiên cho điều tốt hơn. Kinh Thánh nói: “Ai bước đi với người khôn ngoan sẽ nên khôn ngoan”.—Châm ngôn 13:20.

3 ĐẶT GIỚI HẠN CHO CÔNG VIỆC

Hãy cho chủ biết về công việc và thứ tự ưu tiên của bạn. Đừng áy náy khi đặt giới hạn cho công việc. Sách Làm để sống (Work to Live) nhận xét: “Thường thì những ai biết đặt ranh giới giữa công việc và gia đình hoặc biết dành thời gian nghỉ ngơi đều nhận ra sự thật này: Vắng mợ thì chợ vẫn đông”.

Anh Gary, được đề cập ở trên, khá thoải mái về tài chính nên đã quyết định giảm bớt giờ làm. Anh cho biết: “Tôi thảo luận với gia đình và đề nghị sống đơn giản hơn. Rồi chúng tôi từng bước thực hiện điều đó. Tôi cũng xin chủ làm việc ít ngày hơn mỗi tuần, và ông đã đồng ý”.

4 ƯU TIÊN THỜI GIAN CHO GIA ĐÌNH

Vợ chồng cần có thời gian bên nhau, và con cái cần thời gian của cha mẹ. Vì thế, hãy tránh chạy theo nhịp độ của những gia đình lúc nào cũng bận rộn. Anh Gary đề nghị: “Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, và bỏ qua những việc kém quan trọng hơn”.

Khi gia đình bên nhau, đừng để ti-vi, điện thoại hoặc những thiết bị khác tách biệt bạn với mọi người. Hãy dùng bữa chung ít nhất một lần trong ngày, và tận dụng thời gian đó để trò chuyện. Khi cha mẹ làm theo bí quyết đơn giản này, con cái thường vui vẻ, khỏe mạnh và học giỏi hơn.

Tận dụng thời gian dùng bữa chung để trò chuyện

Tóm lại, hãy tự hỏi: “Tôi muốn một đời sống thế nào? Tôi muốn gì cho gia đình mình?”. Nếu đặt thứ tự ưu tiên theo lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh, đời sống bạn sẽ hạnh phúc và ý nghĩa hơn.