Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Niềm vui khi ban cho

Niềm vui khi ban cho

Khi đang ngồi đợi trên xe buýt để đi qua biên giới của một nước Nam Mỹ, chị Alexandra nghe có người nói: “Mọi người trên xe có thể đi, nhưng người Trung Quốc này phải ở lại!”. Chị xuống xem chuyện gì xảy ra thì thấy một thanh niên Trung Quốc đang cố gắng nói tiếng Tây Ban Nha để giải thích với lính biên phòng về tình cảnh khó khăn của mình. Vì đang tham gia hội thánh tiếng Trung của Nhân Chứng Giê-hô-va nên chị đã tình nguyện thông dịch giúp anh ta.

Thanh niên ấy nói rằng mình là một thường trú nhân hợp pháp, nhưng đã bị cướp hết giấy tờ và tiền bạc. Lúc đầu, lính biên phòng không tin câu chuyện của anh và thậm chí nghi ngờ chị Alexandra dính líu đến việc buôn người. Cuối cùng, ông chấp nhận sự giải thích của hành khách đáng thương đó nhưng anh phải bị phạt vì không có giấy tờ hợp pháp. Anh ấy không có tiền nên chị Alexandra đã đề nghị cho mượn 20 đô-la. Anh rất cảm kích và nói sẽ trả lại nhiều hơn số tiền đó. Chị giải thích rằng mình không mong sẽ được trả ơn. Chị cảm thấy hạnh phúc vì biết đó là điều đúng phải làm. Chị tặng anh một số ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh và khuyến khích anh tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng.

Chúng ta thấy vui khi nghe về những hành động tử tế với người lạ như thế, và chắc hẳn người có đạo lẫn người không có đạo cũng làm những điều tương tự. Bạn có sẵn lòng quên mình để giúp đỡ người khác như thế không? Câu hỏi này rất đáng xem xét vì Chúa Giê-su đã nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công vụ 20:35). Đây cũng là điều đáng chú ý về mặt khoa học vì các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng việc ban cho mang lại lợi ích cho bạn. Như thế nào?

NGƯỜI “HIẾN TẶNG MỘT CÁCH VUI LÒNG”

Kinh nghiệm cho thấy việc ban cho và hạnh phúc thường đi đôi với nhau. Sứ đồ Phao-lô viết rằng “Đức Chúa Trời yêu thương người nào hiến tặng một cách vui lòng”. Trong bối cảnh của câu này, ông nói về những tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã rộng rãi đóng góp để trợ giúp anh em đồng đức tin đang gặp nạn (2 Cô-rinh-tô 8:4; 9:7). Phao-lô không nói rằng họ cảm thấy vui nên mới cho, nhưng ngược lại: Họ thấy vui có thể cho người khác.

Trên thực tế, một nghiên cứu cho biết việc ban cho “kích thích những vùng của não bộ liên quan đến sự vui thích, giao tiếp và lòng tin cậy, tạo nên một cảm giác thoải mái về tinh thần”. Một nghiên cứu khác cho thấy “khi tặng người khác tiền, những người tham gia cảm thấy hạnh phúc hơn là dùng số tiền đó cho bản thân”.

Có lẽ bạn nghĩ rằng mình không có nhiều để ban cho vì hoàn cảnh không cho phép. Nhưng sự thật là bất cứ ai cũng có thể hưởng niềm vui được làm người “hiến tặng một cách vui lòng”. Món quà xuất phát từ động lực đúng thì không nhất thiết phải có giá trị lớn. Một Nhân Chứng Giê-hô-va đã gửi tiền đóng góp đến nhà xuất bản của tạp chí này cùng với lời sau: “Trong những năm qua, tôi chỉ có khả năng đóng góp số tiền nhỏ tại Phòng Nước Trời. Nhưng Đức Giê-hô-va ban lại nhiều hơn những gì mà tôi dành cho ngài... Cám ơn vì cho tôi cơ hội tặng món quà này. Tôi cảm thấy được an ủi khi làm thế”.

Tất nhiên, chúng ta có thể ban cho không chỉ qua tiền bạc mà còn nhiều cách khác.

BAN CHO MANG LẠI SỨC KHỎE TỐT

Ban cho mang lại lợi ích cho bạn và người khác

Kinh Thánh nói: “Kẻ nhân từ làm ơn cho chính mình, còn kẻ hung bạo chỉ mang khổ vào thân” (Châm-ngôn 11:17, Bản Phổ thông). Người nhân từ thì rộng rãi, tức là sẵn sàng dành thời gian, năng lực và những điều khác để thể hiện lòng quan tâm. Người có quan điểm sống như thế nhận được nhiều lợi ích, trong đó có sức khỏe tốt.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy những ai sẵn sàng giúp đỡ người khác sẽ ít bị đau nhức và trầm cảm hơn. Nhìn chung, họ có sức khỏe tốt hơn. Thậm chí, việc ban cho một cách rộng rãi có thể cải thiện sức khỏe của những người mắc bệnh kinh niên, như đa xơ cứng hoặc HIV. Ngoài ra, nhờ giúp đỡ người khác mà những người cai rượu có thể giảm sự buồn nản và tránh bị nghiện trở lại.

Người ta giải thích rằng “lòng trắc ẩn, nhân từ và tử tế sẽ xua đi cảm xúc tiêu cực”. Việc ban cho cũng làm giảm căng thẳng và huyết áp. Ngoài ra, những ai có người hôn phối đã qua đời cũng sớm vượt qua các triệu chứng của bệnh trầm cảm nếu họ chủ động giúp đỡ người khác.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ban cho mang lại lợi ích cho bạn.

BAN CHO CÓ SỨC LAN TRUYỀN

Chúa Giê-su khuyến khích những người theo ngài: “Hãy cho, người ta sẽ cho anh em. Họ sẽ đong đầy, nén, lắc và thêm cho tràn rồi đổ vào ngực áo anh em. Anh em đong cho người ta mực nào thì sẽ được đong lại mực ấy” (Lu-ca 6:38). Khi bạn ban cho, hẳn người nhận sẽ đáp lại với lòng biết ơn và chính người đó cũng trở nên rộng rãi. Do đó, ban cho đẩy mạnh tinh thần hợp tác và tình bạn.

Ban cho đẩy mạnh tinh thần hợp tác và tình bạn

Các nhà nghiên cứu về mối quan hệ giữa người với người cho biết “người luôn thể hiện lòng vị tha sẽ khuyến khích người khác làm theo”. Trên thực tế, “chỉ cần đọc về những hành động nhân từ cũng làm người ta trở nên rộng rãi hơn”. Theo một nghiên cứu, “mỗi cá nhân trong cộng đồng cũng có thể ảnh hưởng đến hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm người khác, trong số đó có những người chưa từng biết hoặc gặp cá nhân ấy”. Nói cách khác, một hành động tử tế có thể tạo phản ứng dây chuyền trong cả cộng đồng. Bạn có muốn sống trong một cộng đồng như thế không? Vâng, càng có nhiều người ban cho thì càng mang lại nhiều lợi ích lớn lao.

Một kinh nghiệm tại Florida, Hoa Kỳ, đã chứng minh điều này. Sau một cơn bão dữ dội, các Nhân Chứng Giê-hô-va đã tình nguyện tham gia công việc cứu trợ. Khi đang chờ đợi công cụ được chuyển tới, họ thấy hàng rào của nhà kế bên bị hư hại nên đã đề nghị sửa giúp cho chủ nhà. Về sau, người ấy gửi thư đến trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va và nói: “Tôi vô cùng biết ơn vì điều này. Họ là một trong số những người tử tế nhất mà tôi từng gặp”. Ông thể hiện lòng biết ơn bằng cách hào phóng đóng góp một khoản tiền để dùng cho việc mà ông gọi là “công việc tuyệt vời của Nhân Chứng”.

GƯƠNG TUYỆT HẢO NHẤT

Các nghiên cứu khoa học đã khám phá ra một điều đáng chú ý là “dường như con người bẩm sinh có khuynh hướng giúp đỡ người khác”. Nghiên cứu này cho thấy trẻ em “có những hành động vị tha ngay cả trước khi chúng học nói”. Tại sao? Kinh Thánh cho biết rằng con người được tạo ra “giống như hình Đức Chúa Trời”, nghĩa là chúng ta có những đức tính cơ bản giống ngài.—Sáng-thế Ký 1:27.

Một trong những đức tính tuyệt hảo của Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va, là tính rộng rãi. Ngài ban cho chúng ta sự sống và mọi thứ mình cần để được hạnh phúc (Công vụ 14:17; 17:26-28). Qua việc tìm hiểu Lời ngài, tức Kinh Thánh, chúng ta có thể biết về Cha trên trời và ý định yêu thương của ngài dành cho nhân loại. Kinh Thánh cũng tiết lộ rằng Đức Chúa Trời đã có một sắp đặt để giúp chúng ta có tương lai hạnh phúc * (1 Giăng 4:9, 10). Giê-hô-va Đức Chúa Trời là nguồn của tính rộng rãi và bạn được tạo ra theo hình ảnh của ngài. Vì thế, khi sẵn lòng ban cho, bạn đang noi gương Đức Chúa Trời; kết quả là bạn sẽ nhận được lợi ích và làm ngài vui lòng.—Hê-bơ-rơ 13:16.

Câu chuyện của chị Alexandra được đề cập ở đầu bài kết thúc thế nào? Một hành khách trên xe buýt nói rằng chị làm thế không khác nào ném tiền ra cửa sổ. Nhưng khi xe dừng tại một thành phố, người thanh niên mà chị giúp đã liên lạc với người quen ở đó và nhanh chóng trả lại 20 đô-la cho chị. Hơn thế nữa, anh làm theo lời đề nghị của chị và bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh. Ba tháng sau, chị rất vui khi gặp lại anh ở Peru, tại một hội nghị tiếng Trung của Nhân Chứng Giê-hô-va. Để bày tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ của chị, anh đã mời chị cùng một số người tham dự hội nghị dùng bữa tại nhà hàng của anh.

Việc ban cho và giúp đỡ người khác mang lại niềm vui lớn. Và trong khi làm thế, niềm vui sẽ thêm lên nếu bạn có thể giúp người ta biết về Nguồn của mọi món quà tốt lành là Giê-hô-va Đức Chúa Trời! (Gia-cơ 1:17) Bạn có đang cảm nhận niềm vui khi ban cho như thế không?

^ đ. 21 Để biết thêm thông tin, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Cũng có tại www.pr418.com/vi, vào mục ẤN PHẨM > SÁCH & SÁCH MỎNG.