Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Học vấn và tiền bạc có đảm bảo một tương lai bền vững?

Học vấn và tiền bạc có đảm bảo một tương lai bền vững?

Nhiều người nghĩ rằng sự giàu có và học vấn sẽ mang lại một tương lai bền vững. Họ cho là việc học đại học sẽ giúp một người trở thành nhân viên, thành viên gia đình và công dân tốt hơn. Có lẽ họ cũng cảm thấy việc có trình độ học vấn là bí quyết để tìm được công việc lương cao và những ai kiếm được nhiều tiền sẽ hạnh phúc.

MỘT LỰA CHỌN CỦA NHIỀU NGƯỜI

Hãy xem lời chia sẻ của anh Zhang Chen đến từ Trung Quốc. Anh nói: “Tôi nghĩ rằng mình cần có bằng đại học để thoát khỏi cảnh nghèo đói và một công việc lương cao sẽ đảm bảo cho tôi đời sống hạnh phúc và thỏa nguyện”.

Để có đời sống tốt hơn, nhiều người muốn theo học các trường đại học nổi tiếng, có lẽ tại các trường ở nước ngoài. Xu hướng này gia tăng đáng kể trước khi COVID-19 bùng phát và hạn chế việc đi lại giữa các nước. Một báo cáo năm 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết: “Người châu Á chiếm 52% tổng số học sinh đi du học”.

Các bậc cha mẹ thường phải hy sinh rất nhiều để cho con cái đi du học. Anh Qixiang đến từ Đài Loan cho biết: “Cha mẹ tôi không khá giả, nhưng họ cho cả bốn người con theo học đại học ở Hoa Kỳ”. Như nhiều gia đình khác, gia đình anh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất khi lo chi phí học hành cho các con.

KẾT QUẢ LÀ GÌ?

Nhiều người theo đuổi học vấn và sự giàu có bị thất vọng

Học vấn có thể cải thiện đời sống theo một số cách, nhưng không luôn mang lại kết quả như mong muốn. Chẳng hạn, có nhiều người phải vay mượn khoản tiền lớn để đi học và vất vả trong nhiều năm, nhưng cuối cùng lại không tìm được công việc họ muốn. Báo cáo của bà Rachel Mui trong tờ báo Business Times của Singapore cho biết: “Số sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường ngày càng tăng”. Anh Jianjie, người có bằng tiến sĩ sống ở Đài Loan, nói: “Nhiều người không có lựa chọn nào khác nên đành phải nhận một công việc chẳng liên quan gì đến ngành mình học”.

Ngay cả những người tìm được công việc đúng chuyên ngành có lẽ vẫn thấy đời sống không như họ mong đợi. Sau khi đi du học ở Vương quốc Anh, anh Niran đến từ Thái Lan tìm được công việc đúng chuyên ngành của mình. Anh cho biết: “Đúng như tôi mong muốn, bằng đại học giúp tôi tìm được công việc lương cao. Bù lại, tôi phải làm nhiều việc và nhiều giờ hơn. Cuối cùng, công ty sa thải phần lớn nhân viên, trong đó có tôi. Tôi nhận ra không có công việc nào đảm bảo một tương lai bền vững”.

Thậm chí những người giàu và có đời sống dường như sung sướng vẫn phải đối mặt với vấn đề gia đình, bệnh tật và kinh tế bấp bênh. Anh Katsutoshi đến từ Nhật Bản thừa nhận: “Dù có nhiều của cải vật chất, nhưng tôi không cảm thấy hạnh phúc vì tôi thường bị người khác ghen tị, cạnh tranh và đối xử tệ”. Chị Lam sống ở Việt Nam cho biết: “Tôi thấy nhiều người cố gắng tìm công việc có thu nhập cao để có sự đảm bảo về tài chính nhưng thực tế thì ngược lại; họ gặp sự bấp bênh, vấn đề sức khỏe, suy kiệt và trầm cảm”.

Như anh Franklin, nhiều người nhận thấy trong đời sống có nhiều điều quan trọng hơn là theo đuổi học vấn và sự giàu có. Thay vì tập trung đời sống vào của cải vật chất, một số người tìm kiếm tương lai tốt đẹp hơn bằng cách cố gắng ăn hiền ở lành và làm điều tốt cho người khác. Theo đuổi lối sống như thế có đảm bảo một tương lai bền vững không? Bài kế tiếp sẽ đưa ra câu trả lời.