Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm—Khác nhau như thế nào?

Dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm—Khác nhau như thế nào?

Chị Emily: “Tôi để nĩa xuống và bắt đầu cảm thấy khó chịu. Tôi thấy ngứa ngáy trong miệng, lưỡi sưng lên, bắt đầu thấy chóng mặt và khó thở. Tay và cổ tôi nổi mề đay. Tôi cố gắng không hoảng sợ nhưng biết là mình phải đến bệnh viện ngay”.

Đối với phần lớn mọi người, ăn uống là niềm vui thích. Nhưng có những người buộc phải xem một số loại thực phẩm nào đó như “kẻ thù”. Cũng như chị Emily được đề cập ở trên, họ bị dị ứng thực phẩm. Cơn dị ứng dữ dội của chị Emily được gọi là sốc phản vệ, một tình trạng rất nguy hiểm. Đáng mừng là phần lớn các trường hợp dị ứng thực phẩm thì không nghiêm trọng như thế.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người cho biết họ bị dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu cho thấy trong số những người nghĩ rằng mình bị dị ứng thực phẩm, thì chỉ có ít người đã được chẩn đoán.

Dị ứng thực phẩm là gì?

Trong báo cáo đăng trên Tập san hội y khoa Hoa Kỳ (The Journal of the American Medical Association), một nhóm các nhà khoa học do bác sĩ Jennifer J. Schneider Chafen đứng đầu cho biết: “Chưa có một định nghĩa thống nhất về dị ứng thực phẩm”. Dù vậy, phần lớn các chuyên gia tin rằng các cơn dị ứng chủ yếu là do hệ miễn dịch gây ra.

Một cơn dị ứng với một loại thức ăn nào đó thường là do phản ứng với một loại protein có trong thức ăn đó. Hệ miễn dịch nhầm lẫn rằng protein đó là có hại. Khi một loại protein đi vào cơ thể, hệ miễn dịch tạo ra một loại kháng thể được gọi là IgE để trung hòa tác nhân lạ. Khi thức ăn đó được ăn vào một lần nữa, kháng thể này làm cho những chất hóa học, trong đó có histamin, được giải phóng ra.

Trong những trường hợp bình thường, histamin đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Nhưng vì những lý do nào đó chưa rõ, việc xuất hiện các kháng thể IgE và sau đó giải phóng chất histamin đã gây nên cơn dị ứng cho những người quá nhạy cảm với một loại protein nào đó trong thức ăn.

Điều này giải thích tại sao khi ăn một loại thức ăn nào đó lần đầu, có thể bạn không thấy bất kỳ phản ứng gì. Nhưng khi ăn thức ăn đó lần sau thì bạn lại bị dị ứng.

Không dung nạp thực phẩm là gì?

Cũng như dị ứng thực phẩm, không dung nạp thực phẩm có thể là phản ứng với một loại thức ăn nào đó. Nhưng dị ứng thực phẩm thì do hệ miễn dịch trực tiếp gây nên, còn không dung nạp thực phẩm là một phản ứng của hệ tiêu hóa và không liên quan gì đến các kháng thể. Nói chung, một người có thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn do thiếu enzym hoặc do các chất hóa học có trong thức ăn. Ví dụ, chứng không dung nạp lactose xảy ra khi ruột không sản sinh ra những enzym cần thiết để tiêu hóa những loại đường có trong các chế phẩm từ sữa.

Vì không liên quan đến các kháng thể, chứng không dung nạp thực phẩm có thể xảy ra ngay lần đầu ăn thức ăn đó. Số lượng thức ăn có thể là một yếu tố quyết định. Một lượng nhỏ loại thức ăn nào đó có thể dung nạp được, trong khi việc tiêu hóa một lượng lớn thức ăn ấy lại gặp vấn đề. Điều này khác với cơn dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, mà một lượng thức ăn rất ít cũng có thể gây nên một phản ứng nguy hiểm đến tính mạng.

Có những triệu chứng nào?

Nếu bị dị ứng thực phẩm, bạn có thể bị ngứa, nổi mề đay, sưng họng, mắt hoặc lưỡi, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Trường hợp xấu nhất là tụt huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu và ngay cả trụy tim. Một cơn sốc phản vệ có thể tiến triển nhanh và nguy hiểm đến tính mạng.

Bất kỳ thức ăn nào cũng có thể gây dị ứng. Nhưng các chứng dị ứng thực phẩm nặng nhất thường chỉ do một vài loại thức ăn gây ra như: sữa, trứng, cá, tôm cua, đậu phộng, đậu nành, các loại hạt và lúa mì. Một người có thể bị dị ứng ở bất kỳ độ tuổi nào. Các nghiên cứu cho thấy di truyền đóng một vai trò quan trọng. Một đứa trẻ dễ bị dị ứng hơn nếu cha hoặc mẹ hay cả hai bị dị ứng. Nhưng cũng có trường hợp trẻ em không bị dị ứng nữa khi lớn lên.

Các triệu chứng không dung nạp thực phẩm nói chung thường ít nguy hiểm hơn chứng dị ứng thực phẩm nghiêm trọng. Đó có thể là đau bụng, phình bụng, đầy hơi, chuột rút, nhức đầu, phát ban, mệt mỏi hoặc cảm giác khó chịu chung chung. Chứng không dung nạp thực phẩm có thể liên quan đến nhiều loại thức ăn khác nhau, thường gặp nhất là bơ sữa, lúa mì, gluten, chất cồn và men.

Chẩn đoán và điều trị

Nếu nghĩ có lẽ mình bị dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp thực phẩm, bạn có thể đi khám bác sĩ chuyên khoa. Việc tự chẩn đoán và tự ý kiêng một số loại thức ăn nào đó đôi khi gây hại, vì bạn có thể vô tình làm cho cơ thể bị thiếu dưỡng chất cần thiết.

Đối với chứng dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, thì không có cách điều trị nào được chấp nhận rộng rãi, ngoại trừ tránh hoàn toàn những thức ăn gây dị ứng. * Mặt khác, nếu đó chỉ là dị ứng nhẹ hoặc không dung nạp thực phẩm, có lẽ bạn thấy có lợi nếu chỉ ăn loại thực phẩm đó ít lại. Nhưng trong một số trường hợp, một người buộc phải tránh hoàn toàn những thức ăn mà mình nghi ngờ, ít nhất là trong một thời gian, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của chứng không dung nạp thực phẩm.

Vậy, nếu bị dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp thực phẩm, bạn có thể thấy an ủi khi biết rằng nhiều người đã học được cách kiểm soát tình trạng của mình mà vẫn thưởng thức được nhiều loại thức ăn bổ dưỡng và ngon miệng.

^ đ. 19 Những người bị dị ứng thực phẩm thường được khuyên là nên mang theo bút tiêm đặc biệt chứa adrenaline (epinephrine). Họ có thể dùng bút tiêm này để tự tiêm trong trường hợp khẩn cấp. Một số chuyên gia sức khỏe đề nghị trẻ em bị dị ứng nên đeo những vật như vòng tay hoặc mang theo giấy tờ để giáo viên và bảo mẫu biết rõ bệnh tình của các em.