Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | HÔN NHÂN

Làm sao nói lời xin lỗi?

Làm sao nói lời xin lỗi?

THÁCH THỨC

Hai vợ chồng bạn vừa mới cãi vã. Bạn tự nhủ: “Mình không cần phải xin lỗi, đâu phải mình khơi chuyện!”.

Bạn không tranh cãi nữa nhưng vẫn còn căng thẳng. Bạn đắn đo không biết có nên xin lỗi hay không, nhưng không thể nhún nhường nói câu hết sức đơn giản: “Anh/Em xin lỗi”.

TẠI SAO?

Tự ái. Một người chồng tên Charles * thừa nhận: “Đôi khi tôi khó nói lời xin lỗi vì ‘cái tôi’ quá lớn”. Lòng tự ái có thể khiến bạn cảm thấy ngượng và không muốn nhìn nhận lỗi lầm của mình.

Quan điểm. Có lẽ bạn cảm thấy mình chỉ xin lỗi khi mình là người gây ra vấn đề. Một người vợ tên Jill nói: “Khi biết mình hoàn toàn có lỗi, tôi dễ nói ‘em xin lỗi’. Nhưng khi hai vợ chồng đều thốt ra những lời đáng tiếc thì khác. Ý tôi là tại sao tôi phải xin lỗi trong khi cả hai cùng có lỗi?”.

Còn nếu nghĩ rằng lỗi lầm hoàn toàn do người hôn phối, có lẽ bạn càng thấy mình có lý do chính đáng để không xin lỗi. Một người chồng tên Joseph cho biết: “Khi bạn tin chắc rằng mình không làm gì sai, thì việc không xin lỗi chứng tỏ bạn là người vô tội”.

Hoàn cảnh xuất thân. Có lẽ bạn lớn lên trong gia đình hiếm có lời xin lỗi. Do đó, có thể bạn không biết cách thừa nhận lỗi lầm của mình. Nếu lúc nhỏ, bạn ít nói lời xin lỗi thì khi trưởng thành, việc thành thật nói lời xin lỗi là rất khó vì chưa quen.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Lời xin lỗi có thể dập tắt ngọn lửa giận hờn

Tập trung vào người hôn phối. Hãy nhớ đôi khi có người xin lỗi bạn và bạn cảm thấy rất dễ chịu. Sao không làm cho người hôn phối cảm thấy như thế? Dù không nghĩ là mình sai, nhưng bạn có thể xin lỗi vì bạn đời đang bị tổn thương hoặc vì bạn đã vô tình gây ra vấn đề. Những lời xin lỗi ấy có thể giúp người hôn phối cảm thấy dễ chịu.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Lu-ca 6:31.

Tập trung vào hôn nhân. Hãy xem lời xin lỗi như là một chiến thắng cho hôn nhân, chứ không phải là sự thất bại của bản thân. Suy cho cùng, câu Kinh Thánh nơi Châm-ngôn 18:19 cho biết, lấy lòng người cưu mang hờn giận còn ‘khó hơn là chiếm thủ cái thành kiên-cố’. Trước sự hờn giận được ví như bức tường kiên cố, vợ chồng khó có thể hoặc không thể làm hòa. Nhưng khi xin lỗi, bạn không để cho sự hờn giận ấy trở thành bức tường chia cách vợ chồng. Điều quan trọng là đặt hôn nhân lên hàng đầu.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Phi-líp 2:3.

Nhanh chóng xin lỗi. Đúng là nếu bạn không hoàn toàn có lỗi thì việc xin lỗi có thể rất khó. Nhưng lỗi lầm của người hôn phối không phải là cái cớ để bạn có cách cư xử không tốt. Vì thế, đừng do dự nói lời xin lỗi, cho rằng với thời gian, cả hai sẽ bỏ qua. Nếu bạn xin lỗi trước thì người hôn phối cũng thấy dễ xin lỗi bạn hơn. Càng tập nói xin lỗi chừng nào, thì bạn càng dễ xin lỗi chừng nấy.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 5:25.

Chứng tỏ lòng chân thành. Biện hộ cho hành vi của mình không phải là lời xin lỗi. Những lời mỉa mai như: “Anh/Em xin lỗi vì em/anh quá nhạy cảm về điều này” cũng không phải là lời xin lỗi! Hãy thừa nhận lỗi lầm của mình và cho biết bạn hiểu người hôn phối phiền muộn thế nào, cho dù sự phiền muộn ấy có chính đáng hay không.

Đối mặt với thực tại. Hãy khiêm nhường thừa nhận bạn có thể phạm sai lầm. Suy cho cùng, mọi người đều như thế! Dù bạn tin mình không có lỗi gì trong vấn đề nào đó, đừng vội cho rằng mình nắm hết mọi thông tin. Kinh Thánh nói: “Người tố cáo nói xong nghe có lý, nhưng khi nghe bị cáo trình bày mới hiểu kỹ nguồn cơn” (Châm-ngôn 18:17, Đặng Ngọc Báu). Nếu có cái nhìn thực tế về bản thân cũng như những khuyết điểm của mình, bạn sẽ dễ nói lời xin lỗi hơn.

^ đ. 7 Một số tên trong bài này đã được thay đổi.