Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | HÔN NHÂN

Làm sao tránh lời gây tổn thương?

Làm sao tránh lời gây tổn thương?

THÁCH THỨC

Mỗi lần có xung đột, bạn và người hôn phối tuôn ra những lời chỉ trích nhau. Hai vợ chồng nói quá nhiều lời gây tổn thương đến mức giờ đây đó là cách nói chuyện “bình thường”.

Nếu gặp vấn đề trên, bạn có thể thay đổi tình huống. Tuy nhiên, trước hết cần xem nguyên nhân và lý do bạn nên thay đổi.

TẠI SAO?

Gốc gác gia đình. Nhiều người chồng và vợ lớn lên trong gia đình thường nói những lời gây tổn thương. Một hoặc cả hai vợ chồng có thể lặp lại cách nói của cha mẹ mình.

Ảnh hưởng của sự giải trí. Phim ảnh và hài kịch trên truyền hình biến những lời thô lỗ thành chuyện cười, khiến người xem có cảm tưởng nó vô hại, thậm chí buồn cười.

Văn hóa. Một số xã hội dạy rằng “đàn ông đích thực” phải độc đoán, hoặc đàn bà phải hung hăng để chứng tỏ mình không yếu đuối. Chồng hoặc vợ có thái độ như thế trong cuộc xung đột, có lẽ họ xem bạn đời là kẻ thù, chứ không phải đồng minh, và dùng những lời gây tổn thương thay vì chữa lành.

Dù nguyên nhân là gì đi nữa, lời gây tổn thương có thể dẫn đến việc ly hôn cũng như một số vấn đề về sức khỏe. Vài người cho rằng lời nói có thể gây ảnh hưởng mạnh hơn nắm đấm. Chẳng hạn, một người vợ bị chồng lăng mạ và đánh đập nói: “Tôi thấy lời lăng mạ khó chịu đựng hơn sự bạo hành. Thà anh ấy đánh tôi hơn là nói lời gây tổn thương”.

Bạn có thể làm gì nếu lời gây tổn thương đã ảnh hưởng đến tình nghĩa vợ chồng?

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Thấu cảm. Hãy đặt mình vào vị thế của người hôn phối và cố hiểu lời của bạn khiến người ấy cảm thấy thế nào. Nếu được, hãy nghĩ đến một trường hợp cụ thể mà lời nói của bạn khiến người hôn phối đau lòng. Đừng bận tâm đến những gì bạn đã nói, vấn đề là người hôn phối cảm thấy thế nào về những lời ấy. Bạn có thể nghĩ ra cách để thay thế lời gây tổn thương bằng lời tử tế? Kinh Thánh cho biết: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận; còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm”.—Châm-ngôn 15:1.

Quan sát cặp vợ chồng tôn trọng nhau. Nếu những gương xấu ảnh hưởng đến cách trò chuyện của bạn, hãy tìm gương tốt. Lắng nghe các cặp vợ chồng gương mẫu trong việc trò chuyện.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Phi-líp 3:17.

Tìm lại cảm xúc trước kia. Lời gây tổn thương thường liên quan đến lòng hơn là miệng. Thế nên, hãy cố gắng nuôi dưỡng tư tưởng và cảm xúc tích cực về người hôn phối. Nhớ lại các hoạt động mà cả hai từng vui vẻ bên nhau. Xem lại ảnh cũ. Điều gì khiến hai vợ chồng cười? Những đức tính nào thu hút hai người đến với nhau?—Nguyên tắc Kinh Thánh: Lu-ca 6:45.

Cho bạn đời biết cảm xúc của bạn. Thay vì chỉ trích, hãy bày tỏ mối quan tâm bằng cách cho người hôn phối biết vấn đề này ảnh hưởng đến bạn thế nào. Chẳng hạn, sẽ có kết quả hơn nếu người vợ nói “Em cảm thấy mình bị xem thường khi anh làm gì cũng không bàn bạc trước với em”, thay vì nói “Anh luôn như vậy, làm gì cũng không hỏi ý kiến em!”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Cô-lô-se 4:6.

Biết lúc nào nên ngừng. Nếu bắt đầu nổi giận và không tự chủ lời nói, có lẽ tốt nhất nên hoãn lại cuộc thảo luận. Thường, khi cuộc tranh cãi bùng nổ, không có gì là sai nếu bỏ đi và đợi đến lúc hai người bình tĩnh trở lại.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 17:14.

Lời gây tổn thương thường liên quan đến lòng hơn là miệng