Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Nhập cư—Giấc mơ và hiện thực

Nhập cư—Giấc mơ và hiện thực

Tìm một đời sống tươi sáng hơn

Anh George cảm thấy tuyệt vọng. Anh không thể lo đủ miếng ăn cho gia đình. Trong lúc ấy, nhiều người hàng xóm ngã bệnh, một số dường như bị đói. Tuy nhiên, anh biết tình hình kinh tế ở nước láng giềng tốt hơn nên nghĩ: “Mình sẽ ra nước ngoài tìm việc, sau đó gia đình sẽ chuyển đến sống với mình”.

Chị Patricia cũng mơ ước một đời sống mới ở nước ngoài. Chị không có việc làm, thấy mình cũng ít có cơ hội tiến thân. Chị quyết định đi từ Nigeria đến Tây Ban Nha. Trên đường đi, chị phải qua An-giê-ri dù không biết sẽ gặp nhiều nỗi gian nan khi băng qua sa mạc Sahara. Chị cho biết: “Tôi đang mang thai và nhất quyết cho con mình một đời sống tốt đẹp hơn”.

Chị Rachel muốn đổi đời ở Tây Ban Nha. Chị đã mất việc ở Philippines, người thân đoan chắc rằng ở nước ngoài có nhiều công việc nội trợ. Thế nên chị đã vay tiền mua vé máy bay, tạm biệt chồng và con gái với lời hứa hẹn: “Chúng ta sẽ không xa nhau lâu”.

Người ta phỏng đoán có hơn 200 triệu người như anh George, chị Patricia, và chị Rachel đã sang nước ngoài trong những thập niên gần đây. Dù một số người lánh nạn vì chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, hoặc sự ngược đãi, nhưng đa số chuyển đi vì lý do kinh tế. Người nhập cư phải đương đầu với những vấn đề nào nơi xứ lạ quê người? Có phải ai cũng tìm được cuộc sống như mơ ước không? Con trẻ ra sao khi cha hoặc mẹ rời xa chúng để đi kiếm thêm tiền? Hãy xem các câu trả lời dưới đây.

Rời xa quê nhà và ổn định cuộc sống

Thách đố đầu tiên khi rời xa quê nhà thường là quãng đường đi. Anh George, được đề cập ở bài trước, phải đi hàng trăm kilômét, chỉ mang theo một ít lương thực. Anh nhớ lại: “Quãng đường này là cơn ác mộng”. Nhiều người nhập cư không bao giờ đến được nơi mình muốn.

Mục đích của chị Patricia là đến Tây Ban Nha. Chị ngồi trong một xe tải không mui để băng qua sa mạc Sahara. Chị cho biết: “Chuyến đi từ Nigeria đến An-giê-ri mất một tuần và 25 người bị nhồi nhét trong xe. Trên đường, chúng tôi thấy nhiều xác chết, cũng như những người lang thang, chờ chết trong sa mạc. Nghe nói một số tài xế xe tải đã nhẫn tâm bỏ lại hành khách dọc đường”.

Không giống anh George và chị Patricia, chị Rachel đi máy bay đến Tây Ban Nha, ở đấy chị làm công việc nhà. Nhưng chị không bao giờ tưởng tượng được nỗi nhớ da diết đứa con gái hai tuổi của mình. Chị kể lại: “Tôi rất buồn mỗi lần thấy một người mẹ chăm sóc con nhỏ”.

Anh George phấn đấu để thích nghi với đời sống nơi xứ lạ. Anh phải đợi vài tháng mới có thể gửi tiền về cho gia đình. Anh thừa nhận: “Nhiều đêm, tôi khóc vì cô đơn và nản lòng”.

Sau vài tháng ở An-giê-ri, chị Patricia đến biên giới Morocco. Chị nói: “Ở đấy, tôi sinh con gái. Tôi phải lẩn trốn những kẻ buôn người, chúng bắt cóc phụ nữ nhập cư rồi buộc họ bán dâm. Cuối cùng, tôi có đủ tiền để đi qua vùng biển đầy rủi ro hầu đến Tây Ban Nha. Chiếc tàu tồi tàn, không được trang bị tốt để chứa số hành khách đông đúc. Chúng tôi phải dùng giày để tát nước ra khỏi tàu! Khi đến nơi, tôi không còn sức đi vào bờ”.

Dĩ nhiên, ai nghĩ đến việc rời bỏ quê hương không những suy xét nhiều rủi ro có thể xảy ra trên đường đi, mà còn phải suy nghĩ về rào cản ngôn ngữ và văn hóa nơi xứ lạ. Ngoài ra, để trở thành công dân hoặc được định cư tại nước đó, một người phải tốn bao nhiêu chi phí và khó hoàn tất các thủ tục pháp lý. Người không có giấy tờ hợp lệ thường khó tìm việc làm tốt, nhà cửa đàng hoàng, cũng không được chăm lo về học vấn hoặc sức khỏe. Họ cũng khó lấy bằng lái xe hoặc mở tài khoản ngân hàng. Đáng tiếc, những người nhập cư không đầy đủ giấy tờ thường bị bóc lột sức lao động, có lẽ vì họ là nguồn lao động rẻ tiền.

Một yếu tố khác cần xem xét là vấn đề tiền bạc. Tiền bạc có đảm bảo cho cuộc sống không? Kinh Thánh đưa ra lời khuyên khôn ngoan: “Con chớ chịu vật-vã đặng làm giàu; vì nó quả hẳn có mọc cánh, và bay lên trên trời như chim ưng vậy” (Châm-ngôn 23:4, 5). Cũng hãy nhớ rằng nhu cầu lớn nhất của chúng ta là những điều mà tiền bạc không thể mua, tức tình yêu thương, sự an tâm và gắn bó trong gia đình. Thật đáng buồn khi cha mẹ đặt những ham muốn về tiền bạc lên trên tình yêu thương đối với nhau hoặc “tình thương tự nhiên” đối với con cái!—2 Ti-mô-thê 3:1-3.

Con người cũng được tạo ra với nhu cầu tâm linh, tức cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:3). Thế nên, các bậc cha mẹ có trách nhiệm làm mọi điều trong khả năng để hoàn thành nhiệm vụ mà Đức Chúa Trời giao, đó là dạy con cái biết về Đức Chúa Trời, ý định và các tiêu chuẩn của ngài.—Ê-phê-sô 6:4.

Gia đình đoàn kết—Quan trọng hơn tiền bạc

Có thể mỗi người nhập cư có câu chuyện khác nhau nhưng kết cuộc hầu như giống nhau. Trường hợp của anh George, chị Rachel và chị Patricia được đề cập trong loạt bài này cho thấy điều ấy. Gia đình đau khổ khi cha hay mẹ xa nhà, vợ chồng xa nhau, và có lẽ nhiều năm sau gia đình mới được đoàn tụ. Như gia đình anh George, họ phải đợi bốn năm.

Sau gần 5 năm xa cách, chị Rachel cũng trở về Philippines để đón con gái. Cuối cùng chị Patricia đến Tây Ban Nha với đứa con gái bé bỏng. Chị nói: “Bé là tất cả của đời tôi nên tôi cố gắng chăm sóc bé chu đáo”.

Nhiều người nhập cư cố gắng ở lại vùng đất mới dù cô đơn, gặp khó khăn về kinh tế và xa cách gia đình nhiều năm. Họ đã đầu tư quá nhiều tiền bạc, thời gian và công sức nên khi không thành công ít người có can đảm trở về quê hương vì sợ mất mặt.

Một người có can đảm như thế là anh Allan đến từ Philippines. Anh có việc làm tốt ở Tây Ban Nha, nhưng 18 tháng sau anh trở về quê nhà. Anh cho biết: “Tôi rất nhớ vợ và con gái nhỏ. Tôi quyết định không bao giờ làm việc nơi xứ người trừ phi cả nhà cùng đi. Cuối cùng chúng tôi đã làm được điều đó. Gia đình quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều”.

Như chị Patricia đã nhận ra, cũng có một điều khác quan trọng hơn tiền bạc. Chị đến Tây Ban Nha, mang theo một cuốn “Tân ước”, tức phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Chị cho biết: “Tôi xem sách ấy như điều mang lại may mắn. Rồi tôi gặp một chị Nhân Chứng Giê-hô-va. Trước đó, tôi không thích nói chuyện với Nhân Chứng. Thế nên tôi đặt nhiều câu hỏi để chứng minh niềm tin của chị ấy là sai. Tuy nhiên, khác với nghĩ của tôi, chị có thể bảo vệ niềm tin của mình và dùng Kinh Thánh giải đáp các khúc mắc của tôi”.

Nhờ những điều đã học, chị Patricia biết rằng hạnh phúc lâu dài và hy vọng vững chắc cho tương lai không tùy thuộc nơi sinh sống hoặc tiền bạc, nhưng tùy vào sự hiểu biết sâu sắc về Đức Chúa Trời và ý định của ngài dành cho chúng ta (Giăng 17:3). Ngoài ra, chị Patricia biết Đức Chúa Trời có một danh, đó là Giê-hô-va (Thi-thiên 83:18). Nhờ Kinh Thánh, chị cũng biết Đức Chúa Trời sẽ xóa bỏ nạn nghèo đói qua chính phủ trên trời dưới quyền cai trị của Chúa Giê-su Ki-tô (Đa-ni-ên 7:13, 14). Thi-thiên 72:12, 14 cho biết: “[Chúa Giê-su] sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ. Người sẽ chuộc... họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo”.

Sao không dành thời gian để tìm hiểu Kinh Thánh? Cuốn sách chứa sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời có thể giúp bạn hiểu điều nào quan trọng nhất trong đời sống, quyết định cách khôn ngoan và chịu đựng bất cứ thử thách nào trong hiện tại với niềm vui và hy vọng.—Châm-ngôn 2:6-9, 20, 21.