Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mẹ mạnh, bé khỏe

Mẹ mạnh, bé khỏe

Mẹ mạnh, bé khỏe

Thỏa nguyện và khỏe mạnh, em bé sơ sinh nằm trong vòng tay âu yếm của người mẹ. Gương mặt người cha rạng rỡ vẻ hãnh diện. Cảnh hạnh phúc này diễn ra hàng triệu lần mỗi năm, nên người ta dễ suy nghĩ rằng việc sinh nở bình thường là chuyện đương nhiên. Suy cho cùng, đó là tiến trình tự nhiên, thế thì tại sao phải lo ngại?

Đành rằng việc sinh nở thường tốt đẹp, nhưng không luôn luôn như thế. Vì vậy, cha mẹ tương lai khôn ngoan thường làm những việc cần thiết để phòng ngừa các biến chứng. Chẳng hạn, họ tìm hiểu về nguyên nhân gây khó khăn khi sinh nở, đi đến bác sĩ để được chăm sóc tốt trước khi sinh và thực hiện những bước đơn giản để giảm thiểu những rủi ro trong lúc sinh. Chúng ta hãy xem xét những điểm này chi tiết hơn.

Nguyên nhân gây vấn đề khi sinh nở

Một trong các nguyên nhân gây vấn đề cho mẹ và con khi sinh nở là không được chăm sóc về y tế trong thai kỳ. Ông Cheung Kam-lau, bác sĩ cố vấn của khoa chăm sóc trẻ sơ sinh thuộc bệnh viện Prince of Wales tại Hồng Kông, cho biết “không được chăm sóc trong thời kỳ mang thai có thể khiến thai phụ gặp nhiều nguy hiểm”. Ông cũng nói thêm rằng “hầu hết những thai phụ này đều nghĩ con mình sẽ khỏe mạnh, mũm mĩm nhưng thực tế không luôn lý tưởng như thế”.

Về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến thai phụ, tạp chí sức khỏe phụ nữ (Journal of the American Medical Women’s Association) cho biết “những nguyên nhân chính và trực tiếp gây tử vong cho sản phụ” là băng huyết, chuyển dạ kéo dài, nhiễm trùng và huyết áp cao bất thường. Tuy nhiên, tạp chí ấy nói thêm rằng ngày nay các phương pháp chữa trị hữu hiệu rất phổ biến, và trong phần lớn các trường hợp, “chữa trị theo y học hiện đại... không cần dùng đến những phương pháp phức tạp”.

Nhiều trẻ sơ sinh cũng được lợi ích qua các phương pháp y tế có sẵn. Tạp chí UN Chronicle của Liên Hiệp Quốc ghi nhận “2/3 số tử vong của trẻ sơ sinh có thể tránh được nếu tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh” được trị liệu bằng những phương pháp “phổ biến, khả thi và không cần dùng đến công cụ phức tạp”. Dù vậy, thông tấn xã Philippines cho biết, tình trạng đáng buồn thường thấy là các thai phụ thiếu hiểu biết và lơ đễnh trong việc chăm sóc trước khi sinh.

Phương pháp chăm sóc tối ưu cho bà mẹ và em bé trước khi sinh

Tạp chí UN Chronicle nói: “Mẹ mạnh thì bé khỏe”. Tạp chí cũng nhận xét khi thai phụ hoàn toàn không được chăm sóc hoặc chăm sóc không đầy đủ về y tế trong giai đoạn mang thai, sinh nở và sau khi sinh, thì em bé cũng thế.

Trong vài xứ, thai phụ có thể khó nhận được sự chăm sóc đầy đủ về y tế. Có lẽ bà phải đi xa hoặc không thể trang trải các chi phí y tế. Nhưng nếu có thể, người mẹ tương lai nên cố gắng để nhận được một số phương pháp chăm sóc chuyên khoa trước khi sinh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ sống theo sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Kinh Thánh nói mạng sống con người là thánh, kể cả mạng sống của đứa bé chưa chào đời.—Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22, 23 *; Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:8.

Chăm sóc y tế đầy đủ có nghĩa là phải gặp bác sĩ mỗi tuần không? Không, không nhất thiết như thế. Nói về một số biến chứng thông thường xảy ra trong lúc mang thai và sinh nở, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “nhận thấy những phụ nữ đến gặp bác sĩ chỉ bốn lần trong suốt thai kỳ” có kết quả tốt “tương đương với những người đến gặp bác sĩ 12 lần hoặc hơn”.

Bác sĩ có thể làm gì?

Nhằm giảm thiểu những rủi ro cho bà mẹ và em bé, những người có chuyên môn về y tế, đặc biệt là chuyên về sản khoa, sẽ thực hiện những bước sau:

▪ Xem lại bệnh sử của thai phụ, rồi làm xét nghiệm để đoán trước rủi ro và ngăn ngừa những biến chứng có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

▪ Có thể xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra những vấn đề như thiếu máu, nhiễm trùng, không tương hợp yếu tố Rh cũng như các bệnh khác, chẳng hạn bệnh đái tháo đường, bệnh sởi, bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục và bệnh thận (có thể làm tăng huyết áp).

▪ Khi cần thiết và được sự đồng ý của bệnh nhân, có thể đề nghị chủng ngừa những bệnh như cúm, uốn ván và không tương hợp yếu tố Rh.

▪ Cũng có thể đề nghị bổ sung vitamin, đặc biệt là a-xít folic.

Khi nhận ra những rủi ro liên quan đến thai phụ và thực hiện những biện pháp phòng ngừa cần thiết, hoặc giúp người mẹ làm những điều này, bác sĩ nâng cao khả năng mẹ tròn con vuông.

Giảm thiểu rủi ro khi sinh nở

Bà Joy Phumaphi, cựu trợ lý giám đốc của bộ phận chăm sóc sức khỏe gia đình và cộng đồng (Family and Community Health) thuộc tổ chức WHO, cho biết: “Giai đoạn nguy hiểm nhất cho thai phụ là lúc chuyển dạ và sinh con”. Có thể làm gì để ngăn ngừa những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của người mẹ hoặc thai nhi, trong giai đoạn quan trọng này? Thật ra, chỉ cần thực hiện những bước đơn giản nhưng nên làm trước khi vấn đề xảy ra *. Điều này đặc biệt quan trọng với những ai từ chối tiếp máu vì các lý do dựa trên Kinh Thánh, hoặc những ai muốn tránh tiếp máu vì các rủi ro nghiêm trọng về y khoa.—Công-vụ 15:20, 28, 29.

Các thai phụ ấy nên làm những gì có thể để đảm bảo rằng người chăm sóc y tế (bác sĩ hay nữ hộ sinh) có đủ khả năng và kinh nghiệm thực hiện phương pháp trị liệu khác thay thế cho việc truyền máu. Ngoài ra, điều khôn ngoan là cha mẹ tương lai cũng nên biết chắc bệnh viện hoặc nhà hộ sinh sẽ sẵn sàng hợp tác hay không *. Sau đây là hai câu hỏi nên nêu lên với bác sĩ: 1. Bác sĩ sẽ làm gì nếu người mẹ hoặc em bé mất một lượng máu lớn hay xảy ra biến chứng khác? 2. Nếu bác sĩ không có mặt khi em bé chào đời, có sắp đặt nào khác không?

Dĩ nhiên, các bà mẹ khôn ngoan sẽ đến bác sĩ để kiểm tra nhằm bảo đảm có lượng máu cao trong mức cho phép trước khi sinh. Nếu nhận thấy thai phụ cần tăng lượng máu trong cơ thể, bác sĩ có thể đề nghị thai phụ dùng thuốc có a-xít folic và các vitamin nhóm B khác, cũng như bổ sung chất sắt.

Bác sĩ cũng xem xét một số yếu tố khác. Chẳng hạn, qua những lần khám thai, thai phụ có vấn đề gì về sức khỏe cần lưu ý không? Thai phụ có cần tránh đứng quá lâu không? Có nên nghỉ ngơi thêm không? Có cần tăng hoặc giảm cân hay tập thể dục nhiều hơn không? Có cần chú ý hơn đến vệ sinh thân thể, kể cả vệ sinh răng miệng không?

Các cuộc nghiên cứu cho thấy bệnh về nướu ở phụ nữ có thai thường gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiền sản giật (preeclampsia), một biến chứng nguy hiểm có nhiều biểu hiện, chẳng hạn như huyết áp tăng đột ngột, nhức đầu dữ dội và bị phù (ứ đọng chất dịch trong các mô) *. Tiền sản giật có thể dẫn đến việc sinh non và là một trong những nguyên nhân đứng đầu gây tử vong cho mẹ và con, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Một bác sĩ thận trọng sẽ chú ý đến bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào nơi người mẹ tương lai. Và nếu thai phụ có những cơn đau chuyển dạ sớm, bác sĩ sẽ đề nghị nhập viện ngay lập tức. Làm thế, có thể cứu được mạng sống.

Bác sĩ Quazi Monirul Islam, giám đốc một ban bảo vệ sức khỏe thai phụ (Department of Making Pregnancy Safer) thuộc tổ chức WHO, nhận xét: “Người mẹ thà chịu nguy hiểm đến tính mạng để con được sống”. Nhưng chăm sóc tốt về y tế trong giai đoạn mang thai, sinh nở và sau khi sinh có thể giúp ngăn ngừa nhiều biến chứng, ngay cả cái chết. Hiển nhiên, điều quan trọng hơn hết là cố gắng giữ gìn sức khỏe tốt. Suy cho cùng, nếu muốn sinh con khỏe mạnh, bạn cần cố gắng hết sức để là người mẹ khỏe.

[Chú thích]

^ đ. 10 Câu nguyên thủy tiếng Do Thái nói về tai nạn dẫn đến cái chết của người mẹ hoặc của đứa bé chưa chào đời.

^ đ. 21 Các cặp vợ chồng là Nhân Chứng Giê-hô-va có thể tham khảo với Ủy ban liên lạc bệnh viện (HLC) của Nhân Chứng ở địa phương trước khi sinh. Các thành viên của Ủy ban đến bệnh viện và gặp bác sĩ để cung cấp thông tin về phương pháp trị liệu không truyền máu của các bệnh nhân là Nhân Chứng. Ngoài ra, Ủy ban có thể giúp đỡ tìm một bác sĩ tôn trọng niềm tin của bệnh nhân và có kinh nghiệm trong việc chữa trị bằng phương pháp không truyền máu.

^ đ. 24 Dù cần nghiên cứu thêm để xác định bệnh về nướu có gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiền sản giật hay không, nhưng điều khôn ngoan là luôn chăm sóc kỹ răng miệng.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Theo con số được công bố vào tháng 10 năm 2007, gần như mỗi phút có một phụ nữ chết, tức 536.000 người mỗi năm, vì các vấn đề liên quan đến việc mang thai.—Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc

[Câu nổi bật nơi trang 20]

“Mỗi năm có 3,3 triệu thai nhi đã chết khi sinh ra và hơn 4 triệu trẻ sơ sinh chết trong vòng 28 ngày sau khi chào đời”. —UN Chronicle

[Khung nơi trang 21]

 CHUẨN BỊ TRONG THỜI GIAN MANG THAI

1. Nghiên cứu trước để khôn ngoan chọn bệnh viện, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh.

2. Thường xuyên gặp bác sĩ hoặc nữ hộ sinh, thiết lập mối quan hệ thân thiện, tin cậy lẫn nhau.

3. Cẩn thận chăm sóc sức khỏe của bạn. Nếu có thể, bổ sung những vitamin thích hợp, nhưng tránh dùng thuốc (ngay cả những loại thuốc không cần toa) nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ. Điều khôn ngoan là tránh uống rượu. Viện nghiên cứu về việc lạm dụng rượu (National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism) cho biết: “Dù những thai nhi có mẹ uống nhiều rượu sẽ gặp rủi ro cao, nhưng chưa ai xác định rõ có mức độ dùng rượu an toàn trong thời gian mang thai hay không”.

4. Nếu bạn có những cơn đau chuyển dạ sớm (trước tuần thứ 37), hãy liên lạc với bác sĩ hoặc khu sản khoa ngay lập tức. Nếu được giúp đỡ nhanh chóng, bạn có thể tránh việc sinh non và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra *.

5. Ghi ra quyết định cá nhân về vấn đề y tế. Chẳng hạn, nhiều người nhận thấy thật hữu ích khi điền trước vào thẻ chỉ dẫn điều trị y khoa hoặc giấy ủy quyền dài hạn (còn gọi là DPA). Hãy tìm hiểu xem tài liệu nào được dùng và hợp pháp trong nước bạn.

6. Sau khi sinh, hãy chăm lo cho sức khỏe của bạn và em bé, đặc biệt nếu bé sinh non. Khi thấy có bất cứ vấn đề nào, hãy liên lạc ngay với bác sĩ khoa nhi.

[Chú thích]

^ đ. 41 Bác sĩ thường truyền máu cho những trẻ sinh non thiếu máu, vì các cơ quan của trẻ không thể sản xuất đủ lượng hồng huyết cầu.