Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI HAI

Sống cho vừa lòng Đức Chúa Trời

Sống cho vừa lòng Đức Chúa Trời
  • Làm sao bạn có thể trở thành bạn của Đức Chúa Trời?

  • Sự thách thức của Sa-tan có liên hệ đến bạn như thế nào?

  • Cách ăn ở nào làm buồn lòng Đức Giê-hô-va?

  • Làm sao bạn có thể sống cho vừa lòng Đức Chúa Trời?

1, 2. Hãy nêu ra một số người mà Đức Giê-hô-va xem là bạn thân của Ngài.

BẠN chọn người như thế nào để làm bạn? Rất có thể là bạn chọn người có đồng quan điểm, sở thích và giá trị đạo đức. Và bạn thích người có đức tính tốt, như thành thật và tử tế.

2 Trải qua lịch sử Đức Chúa Trời đã chọn một số người làm bạn thân của Ngài. Thí dụ, Đức Giê-hô-va gọi Áp-ra-ham là bạn Ngài. (Ê-sai 41:8; Gia-cơ 2:23) Đức Chúa Trời nói về Đa-vít “người vừa lòng ta” vì ông có những đức tính mà Đức Chúa Trời ưa thích. (Công-vụ 13:22) Và Đức Giê-hô-va xem nhà tiên tri Đa-ni-ên là người “được yêu-quí lắm”.—Đa-ni-ên 9:23.

3. Tại sao Đức Giê-hô-va chọn một số người làm bạn của Ngài?

3 Tại sao Đức Giê-hô-va xem Áp-ra-ham, Đa-vít và Đa-ni-ên là bạn Ngài? Ngài nói với Áp-ra-ham: “Ngươi đã vâng theo lời dặn ta”. (Sáng-thế Ký 22:18) Vì vậy, Đức Giê-hô-va đến gần những người khiêm nhường làm theo những điều Ngài đòi hỏi. Ngài nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy nghe tiếng ta, thì ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi, các ngươi sẽ làm dân ta”. (Giê-rê-mi 7:23) Nếu vâng lời Đức Giê-hô-va, chính bạn cũng có thể trở thành bạn của Ngài!

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA GIÚP SỨC CHO BẠN CỦA NGÀI

4, 5. Đức Giê-hô-va giúp sức cho dân Ngài bằng cách nào?

4 Hãy nghĩ về việc làm bạn với Đức Chúa Trời có nghĩa gì? Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va tìm cơ hội “đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. (2 Sử-ký 16:9) Đức Giê-hô-va giúp sức cho bạn bằng cách nào? Một cách được nêu ra nơi Thi-thiên 32:8, câu này nói: “Ta [Đức Giê-hô-va] sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”.

5 Quả là lời thật ấm lòng về sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va! Ngài sẽ cho sự hướng dẫn cần thiết và trông chừng bạn khi bạn làm theo sự chỉ dẫn đó. Đức Chúa Trời muốn giúp bạn vượt qua thử thách và cám dỗ. (Thi-thiên 55:22) Vì vậy, nếu phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng trọn vẹn, bạn có thể tin tưởng như người viết Thi-thiên: “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; tôi chẳng hề bị rúng-động, vì Ngài ở bên hữu tôi”. (Thi-thiên 16:8; 63:8) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va có thể giúp bạn sống cho vừa lòng Ngài. Nhưng như bạn biết, có một kẻ thù của Đức Chúa Trời không muốn bạn làm thế.

SỰ THÁCH THỨC CỦA SA-TAN

6. Sa-tan nói gì về loài người?

6 Chương 11 của sách này giải thích Sa-tan Ma-quỉ thách thức quyền cai trị của Đức Giê-hô-va như thế nào. Sa-tan cho rằng Đức Chúa Trời nói dối và ám chỉ rằng Đức Giê-hô-va bất công, không cho phép A-đam và Ê-va tự ý quyết định điều thiện và điều ác. Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội và bắt đầu sinh con đẻ cái, Sa-tan nêu nghi vấn về động lực của tất cả loài người. Sa-tan nói: ‘Người ta phụng sự Đức Chúa Trời chẳng phải là vì yêu thương Ngài đâu. Nếu được dịp thì ta có thể khiến bất cứ người nào trên đất lìa bỏ Đức Chúa Trời’. Câu chuyện Kinh Thánh về một người tên Gióp cho thấy Sa-tan đã tin như thế. Gióp là ai và ông có liên hệ gì đến thách thức của Sa-tan?

7, 8. (a) Điều gì đã khiến Gióp nổi bật trong thế gian thời ấy? (b) Sa-tan nêu nghi vấn về động lực của Gióp như thế nào?

7 Gióp sống cách đây khoảng 3.600 năm. Ông là người tốt vì Đức Giê-hô-va có nói: “Nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác”. (Gióp 1:8) Gióp đã làm vừa lòng Đức Chúa Trời.

8 Sa-tan nêu nghi vấn về động lực của Gióp trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Ma-quỉ nói với Đức Giê-hô-va: “Chúa há chẳng dựng hàng rào binh-vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công-việc của tay người, và làm cho của-cải người thêm nhiều trên đất. Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt”.—Gióp 1:10, 11.

9. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước thách thức của Sa-tan, và tại sao?

9 Qua lời đó, Sa-tan cho rằng Gióp phụng sự Đức Chúa Trời vì những lợi ích mà ông nhận được. Ma-quỉ cũng cho rằng nếu Gióp bị thử thách, ông sẽ từ bỏ Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước thách thức của Sa-tan? Vì vấn đề liên hệ đến động lực của Gióp, Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan thử thách Gióp. Cách này sẽ cho thấy rõ Gióp có thật sự yêu thương Đức Chúa Trời hay không.

GIÓP BỊ THỬ THÁCH

10. Gióp gặp những thử thách nào, và ông phản ứng ra sao?

10 Chẳng bao lâu, Sa-tan dùng nhiều cách để thử Gióp. Một số súc vật của Gióp bị cướp mất, còn một số khác bị giết. Hầu hết các tôi tớ của ông bị tàn sát. Điều này khiến ông gặp khó khăn về kinh tế. Lại còn thêm tai vạ là mười người con của Gióp chết trong cơn gió bão. Tuy nhiên, bất kể những biến cố khủng khiếp này, “Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm-thượng cùng Đức Chúa Trời”.—Gióp 1:22.

11. (a) Sa-tan đưa ra lời buộc tội nào nữa về Gióp, và Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào? (b) Gióp phản ứng ra sao trước chứng bệnh đau đớn?

11 Sa-tan chưa bỏ cuộc. Chắc hẳn hắn nghĩ rằng mặc dù Gióp có thể chịu đựng khi bị mất mát sản nghiệp, tôi tớ và con cái, nhưng ông sẽ trở lòng nghịch lại Đức Chúa Trời nếu mắc bệnh. Đức Giê-hô-va để cho Sa-tan thử Gióp bằng một chứng bệnh ghê tởm, đau đớn. Nhưng ngay cả tai họa này cũng không làm Gióp mất đức tin nơi Đức Chúa Trời. Ngược lại, ông cương quyết nói: “Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả-quyết rằng tôi trọn-vẹn”.—Gióp 27:5.

Gióp được thưởng vì đã trung thành

12. Bằng cách nào Gióp đã đưa ra câu trả lời cho thách thức của Ma-quỉ?

12 Gióp không biết chính Sa-tan gây ra khổ nạn cho ông. Không biết Sa-tan thách thức quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, Gióp nghĩ rằng Đức Chúa Trời gây ra tai họa cho ông. (Gióp 6:4; 16:11-14) Nhưng ông giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va. Và đường lối trung thành của Gióp đã chứng tỏ Sa-tan là sai khi cho rằng Gióp phụng sự Đức Chúa Trời vì những lý do ích kỷ.

13. Vì Gióp trung thành với Đức Chúa Trời, kết quả là gì?

13 Sự trung thành của Gióp cho Đức Giê-hô-va lý do vững chắc để đáp lại thách thức xấc xược của Sa-tan. Gióp quả là bạn của Đức Giê-hô-va, và Ngài ban thưởng cho ông về đường lối trung thành đó.—Gióp 42:12-17.

BẠN CÓ LIÊN QUAN THẾ NÀO?

14, 15. Tại sao chúng ta có thể nói lời thách thức của Sa-tan trong trường hợp của Gióp cũng áp dụng cho tất cả nhân loại?

14 Sa-tan nêu lên vấn đề về lòng trung kiên đối với Đức Chúa Trời không phải chỉ riêng trong trường hợp của Gióp. Chính bạn cũng có liên quan. Điều này được thấy rõ nơi Châm-ngôn 27:11, Lời Đức Giê-hô-va nói: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”. Những lời này được viết hàng trăm năm sau khi Gióp chết, cho thấy Sa-tan vẫn còn sỉ nhục Đức Chúa Trời và buộc tội các tôi tớ Ngài. Khi sống đẹp lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta giúp đáp lại lời vu cáo của Sa-tan, và qua cách đó chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Bạn cảm thấy thế nào về điều đó? Chẳng phải là tuyệt diệu để có phần trong việc đáp lại lời vu cáo của Ma-quỉ, dù rằng bạn phải có sự thay đổi nào đó trong đời sống?

15 Hãy lưu ý Sa-tan nói rằng: “Phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình”. (Gióp 2:4) Bằng cách nói “một người”, Sa-tan cho thấy rõ là lời cáo buộc của hắn không chỉ áp dụng riêng cho Gióp mà là cho tất cả nhân loại. Đây là một điểm rất quan trọng. Sa-tan nêu nghi vấn về lòng trung kiên của bạn đối với Đức Chúa Trời. Ma-quỉ muốn thấy bạn cãi lời Đức Chúa Trời và bỏ đường lối ngay thẳng khi gặp khó khăn. Sa-tan có thể cố thực hiện điều này như thế nào?

16. (a) Sa-tan dùng phương cách nào để khiến người ta bác bỏ Đức Chúa Trời? (b) Ma-quỉ dùng những cách ấy như thế nào để gây khó khăn cho bạn?

16 Như đã thảo luận trong Chương 10, Sa-tan dùng nhiều phương cách để khiến người ta bác bỏ Đức Chúa Trời. Một mặt, hắn tấn công “như sư-tử rống,... tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”. (1 Phi-e-rơ 5:8) Vì vậy có thể thấy được ảnh hưởng của Sa-tan khi bạn cố gắng học hỏi Kinh Thánh và áp dụng những gì học được nhưng lại bị bạn bè, người thân hoặc những người khác chống đối. * (Giăng 15:19, 20) Mặt khác, Sa-tan “mạo làm thiên-sứ sáng-láng”. (2 Cô-rinh-tô 11:14) Ma-quỉ có thể dùng những cách khôn khéo để làm lầm lạc và cám dỗ bạn bỏ lối sống tin kính. Hắn cũng dùng sự chán nản, có lẽ khiến bạn cảm thấy mình không thể nào làm vừa lòng Đức Chúa Trời. (Châm-ngôn 24:10) Dù Sa-tan hành động như “sư-tử rống” hay giả làm “thiên-sứ sáng-láng”, hắn vẫn nêu lên cùng một vấn đề: Hắn nói rằng khi bạn gặp thử thách hoặc cám dỗ, bạn sẽ ngưng phụng sự Đức Chúa Trời. Bằng cách nào bạn có thể trả lời thách thức của hắn và chứng tỏ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời, như Gióp đã làm?

TUÂN THEO ĐIỀU RĂN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

17. Lý do chính để vâng giữ điều răn của Đức Giê-hô-va là gì?

17 Bạn có thể đáp lại thách thức của Sa-tan bằng cách sống sao cho vừa lòng Đức Chúa Trời. Điều này bao hàm những gì? Kinh Thánh trả lời: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5) Khi tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời gia tăng, bạn sẽ mong muốn làm những điều Ngài đòi hỏi. Sứ đồ Giăng viết: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài”. Nếu yêu mến Đức Giê-hô-va hết lòng, bạn sẽ thấy rằng “điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”.—1 Giăng 5:3.

18, 19. (a) Một số điều răn của Đức Giê-hô-va là gì? (Xin xem khung trang 122). (b) Làm sao chúng ta biết Đức Chúa Trời không đòi hỏi quá sức chúng ta?

18 Điều răn của Đức Giê-hô-va là gì? Một số điều răn đó nói đến những hành vi mà chúng ta phải tránh. Thí dụ, hãy xem  khung nơi trang 122, có tựa đề “Tránh những điều Đức Giê-hô-va ghét”. Trong đó bạn sẽ thấy có liệt kê những hành vi Kinh Thánh rõ ràng lên án. Mới xem qua, một số những thực hành này dường như không xấu lắm. Nhưng sau khi suy ngẫm về những câu Kinh Thánh được liệt kê, hẳn bạn sẽ thấy sự khôn ngoan của luật pháp Đức Giê-hô-va. Thay đổi cách ăn ở có thể là sự thách đố khó nhất cho bạn. Nhưng sống theo đường lối vừa lòng Đức Chúa Trời đem lại nhiều thỏa nguyện và hạnh phúc. (Ê-sai 48:17, 18) Và đó là điều ở trong tầm tay của bạn. Làm sao chúng ta biết như thế?

19 Đức Giê-hô-va không bao giờ đòi hỏi quá sức chúng ta. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:11-14) Ngài biết tiềm năng và giới hạn của chúng ta hơn là chính chúng ta. (Thi-thiên 103:14) Ngoài ra, Đức Giê-hô-va có thể cho chúng ta sức mạnh để vâng lời Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”. (1 Cô-rinh-tô 10:13) Để giúp bạn chịu đựng, Đức Giê-hô-va còn có thể cho bạn “quyền năng phi thường”. (2 Cô-rinh-tô 4:7, TTGM) Sau khi chịu đựng nhiều thử thách, Phao-lô có thể nói: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.

PHÁT HUY NHỮNG ĐỨC TÍNH LÀM HÀI LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI

20. Bạn nên phát huy những đức tính nào để làm vừa lòng Đức Chúa Trời, và tại sao những đức tính này quan trọng?

20 Dĩ nhiên nếu muốn làm vừa lòng Đức Giê-hô-va mà chỉ tránh những điều Ngài ghét thì không đủ. Bạn cũng phải mến những gì Ngài ưa thích. (Rô-ma 12:9) Bạn có cảm thấy thích những người có đồng quan điểm, sở thích và giá trị đạo đức như bạn không? Đức Giê-hô-va cũng thế. Vậy hãy tập mến thích những điều Đức Giê-hô-va ưa chuộng. Một số những điều này được mô tả nơi Thi-thiên 15:1-5, trong đó chúng ta đọc về những người mà Đức Chúa Trời xem là bạn Ngài. Những người bạn của Đức Giê-hô-va thể hiện phẩm chất mà Kinh Thánh gọi là “trái của Thánh-Linh”. Trái này gồm những đức tính như “yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”.—Ga-la-ti 5:22.

21. Điều gì sẽ giúp bạn phát huy những đức tính làm hài lòng Đức Chúa Trời?

21 Đọc và học Kinh Thánh đều đặn sẽ giúp bạn phát huy những đức tính Đức Chúa Trời ưa thích. Và học biết những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi sẽ giúp bạn có lối suy nghĩ phù hợp với Đức Chúa Trời. (Ê-sai 30:20, 21) Càng củng cố tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va thì bạn càng muốn sống sao cho vừa lòng Ngài.

22. Bạn sẽ thực hiện được gì nếu sống vừa lòng Đức Chúa Trời?

22 Muốn sống cho vừa lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta phải cố gắng. Kinh Thánh ví sự thay đổi nếp sống với việc lột bỏ nhân cách cũ và mặc nhân cách mới. (Cô-lô-se 3:9, 10) Nhưng về điều răn của Đức Giê-hô-va, soạn giả Thi-thiên đã viết: “Ai gìn-giữ lấy, được phần thưởng lớn thay”. (Thi-thiên 19:11) Bạn cũng sẽ thấy việc sống cho vừa lòng Đức Chúa Trời rất là thỏa mãn. Bằng cách sống như thế, bạn sẽ đáp lại thách thức của Sa-tan và làm Đức Giê-hô-va vui lòng!

^ đ. 16 Điều này không có nghĩa là những người chống đối bạn đều bị Sa-tan kiểm soát. Nhưng Sa-tan là chúa đời này, và cả thế gian ở dưới quyền của hắn. (2 Cô-rinh-tô 4:4; 1 Giăng 5:19) Vì vậy, chúng ta biết rằng theo lối sống tin kính sẽ không được nhiều người ưa thích, một số sẽ chống đối bạn.