Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tài liệu cổ xưa xác nhận nơi định cư của một chi phái Y-sơ-ra-ên

Tài liệu cổ xưa xác nhận nơi định cư của một chi phái Y-sơ-ra-ên

 Kinh Thánh cho biết khi dân Y-sơ-ra-ên chinh phục Đất Hứa và chia xứ đó cho các chi phái, mười thị tộc của chi phái Ma-na-se đã nhận phần đất ở phía tây sông Giô-đanh, tách biệt phần đất của chi phái còn lại (Giô-suê 17:1-6). Có bằng chứng khảo cổ về điều này không?

 Vào năm 1910, người ta khai quật được một số mảnh gốm ở Sa-ma-ri có chữ khắc trên đó. Những mảnh gốm này được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ cho biết thông tin về việc giao những món hàng xa xỉ đến cung điện nằm ở thủ đô, trong đó có rượu và dầu thơm. Người ta tìm được tổng cộng 102 mảnh gốm (gọi là Samaria Ostraca), có niên đại vào thế kỷ thứ 8 TCN, nhưng chỉ có thể đọc được chữ trên 63 mảnh. Tuy nhiên, khi kết hợp các thông tin trên 63 mảnh này, người ta biết được ngày tháng và tên của các thị tộc cũng như danh tính của người gửi và nhận hàng hóa.

 Điều đáng chú ý là tất cả các thị tộc được nhắc đến trên những mảnh Samaria Ostraca đều thuộc về chi phái Ma-na-se. Theo một bản dịch Kinh Thánh có phần chú giải (NIV Archaeological Study Bible), điều này cung cấp “bằng chứng thế tục cho thấy có sự liên hệ giữa các thị tộc Ma-na-se và phần đất mà Kinh Thánh nói là họ định cư”.

Dòng chữ khắc nhắc đến một người nữ tên Noah là con cháu của Ma-na-se

 Các mảnh Samaria Ostraca cũng xác minh những gì người viết Kinh Thánh là A-mốt viết là chính xác. Ông nói về người giàu vào thời đó: “Chúng uống rượu trong bát đầy, dùng dầu thượng hạng xức lên mình” (A-mốt 6:1, 6). Các mảnh Samaria Ostraca rõ ràng xác nhận rằng những thứ đó từng được nhập khẩu vào phần đất mà mười thị tộc Ma-na-se sinh sống.