Đi đến nội dung

Có sự mâu thuẫn trong Kinh Thánh không?

Có sự mâu thuẫn trong Kinh Thánh không?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Không, toàn bộ Kinh Thánh hòa hợp nhau. Dù một số câu Kinh Thánh có vẻ mâu thuẫn, nhưng thường thì có thể hiểu đúng nghĩa nhờ áp dụng một hoặc nhiều nguyên tắc sau đây:

  1.   Xem bối cảnh. Nếu có câu nào đó bị lấy ra khỏi bối cảnh thì bất cứ tác giả nào cũng có thể bị xem là mâu thuẫn.

  2.   Xem quan điểm của tác giả. Những người chứng kiến có thể miêu tả một biến cố cách chính xác nhưng không dùng từ hoặc chi tiết giống nhau.

  3.   Để ý đến các sự kiện lịch sử và phong tục.

  4.   Phân biệt giữa cách dùng một từ theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

  5.   Nhận ra một hành động có thể được quy cho một người, dù người ấy không trực tiếp thực hiện. a

  6.   Dùng một bản dịch Kinh Thánh chính xác.

  7.   Tránh việc cố gắng hòa điều Kinh Thánh dạy với ý niệm hoặc tín điều sai lầm của tôn giáo.

 Những thí dụ sau cho thấy làm thế nào các nguyên tắc trên có thể giải thích một số điều dường như mâu thuẫn trong Kinh Thánh.

Nguyên tắc 1: Bối cảnh

  Nếu Đức Chúa Trời nghỉ vào ngày thứ bảy, thì sao Kinh Thánh nói ngài vẫn tiếp tục làm việc? Bối cảnh về sự sáng tạo trong lời tường thuật nơi Sáng-thế Ký cho thấy câu “ngày thứ bảy, ngài [Đức Chúa Trời] nghỉ các công-việc ngài đã làm” ám chỉ cụ thể đến công trình sáng tạo liên quan đến trái đất (Sáng-thế Ký 2:2-4). Tuy nhiên, Chúa Giê-su không mâu thuẫn khi nói Đức Chúa Trời “vẫn làm việc cho đến nay”, vì ngài đang nói đến những công việc khác của Đức Chúa Trời (Giăng 5:17). Những công việc của Đức Chúa Trời bao gồm sự hướng dẫn các tôi tớ ngài viết Kinh Thánh, dạy dỗ và chăm sóc con người.​—Thi-thiên 20:6; 105:5, 6; 2 Phi-e-rơ 1:21.

Nguyên tắc 2 và 3: Quan điểm và lịch sử

  Chúa Giê-su đã chữa lành người mù ở đâu? Sách Lu-ca cho biết Chúa Giê-su chữa bệnh cho một người mù khi ngài “đến gần thành Giê-ri-cô”, còn lời tường thuật tương tự nơi sách Ma-thi-ơ nói đến hai người mù và việc này xảy ra khi Chúa Giê-su “ra khỏi thành Giê-ri-cô” (Lu-ca 18:35-43; Ma-thi-ơ 20:29-34). Dù hai lời tường thuật được viết dưới hai góc nhìn, tức quan điểm khác nhau, nhưng thật ra lại bổ sung cho nhau. Về số người, Ma-thi-ơ nói cụ thể hơn khi đề cập đến hai người, trong khi đó Lu-ca chỉ chú ý đến người mà Chúa Giê-su đang nói. Về địa điểm, các nhà khảo cổ phát hiện rằng vào thời Chúa Giê-su, Giê-ri-cô là một thành đôi. Thành Giê-ri-cô Do Thái cổ cách thành Giê-ri-cô La Mã mới khoảng 1,5km. Có lẽ Chúa Giê-su ở giữa hai thành này lúc làm phép lạ ấy.

Nguyên tắc 4: Cụm từ có nghĩa bóng lẫn nghĩa đen

  Liệu trái đất có bị thiêu hủy? Nơi Truyền-đạo 1:4, Kinh Thánh nói “đất cứ còn luôn luôn”. Một số người cho rằng câu này mâu thuẫn với câu “đất và mọi công trình trên đất sẽ bị thiêu hủy” (2 Phi-e-rơ 3:10, Đặng Ngọc Báu). Tuy nhiên trong Kinh Thánh, từ “đất” được dùng theo hai nghĩa, nghĩa đen nói đến hành tinh của chúng ta, nghĩa bóng ám chỉ con người sống trên đó (Sáng-thế Ký 1:1; Thi-thiên 96:1). Việc thiêu hủy “đất” được miêu tả nơi 2 Phi-e-rơ 3:10 ám chỉ đến sự “hủy diệt những kẻ không tin kính”, chứ không phải việc thiêu hủy hành tinh của chúng ta.​—2 Phi-e-rơ 3:7.

Nguyên tắc 5: Được quy cho ai?

  Tại Ca-bê-na-um, ai đã mang lời nài xin của viên đại đội trưởng đến với Chúa Giê-su? Nơi Ma-thi-ơ 8:5, 6 cho biết viên đại đội trưởng đến gặp Chúa Giê-su, trong khi đó Lu-ca 7:3 nói ông phái các trưởng lão Do Thái đi gặp Chúa Giê-su để truyền lại lời nài xin của ông. Người ta nghĩ điều này mâu thuẫn trong Kinh Thánh, nhưng có thể hiểu là viên đại đội trưởng đưa ra lời nài xin nhưng ông phái các trưởng lão làm người đại diện cho ông.

Nguyên tắc 6: Bản dịch chính xác

  Có phải tất cả chúng ta đều phạm tội? Kinh Thánh dạy rằng tất cả chúng ta đều bị di truyền tội lỗi từ người đàn ông đầu tiên là A-đam (Rô-ma 5:12). Một số bản dịch dường như mâu thuẫn về điều này khi nói người tốt “không phạm tội” (1 Giăng 3:6, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Tuy nhiên, trong tiếng nguyên thủy, động từ Hy Lạp “tội” nơi 1 Giăng 3:6 ở thì hiện tại, thường điều này cho thấy đó là một hành động tiếp diễn. Có sự khác biệt giữa tội lỗi di truyền, mà chúng ta không thể tránh, với việc cố ý tiếp tục vi phạm các luật pháp của Đức Chúa Trời. Thế nên, một số bản dịch làm rõ điều người ta nghĩ bị mâu thuẫn bằng cách dùng cụm từ chính xác như “chẳng bước đi trong tội lỗi”.​—Bản dịch Thế Giới Mới.

Nguyên tắc 7: Dựa trên Kinh Thánh, không dựa trên tín điều

  Có phải Chúa Giê-su ngang hàng hay thấp hơn Đức Chúa Trời? Có lần Chúa Giê-su nói: “Tôi với Cha là một”, điều này dường như mâu thuẫn với lời Chúa Giê-su tuyên bố “Cha lớn hơn tôi” (Giăng 10:30; 14:28). Để hiểu đúng nghĩa những câu này, chúng ta phải xem điều Kinh Thánh thật sự nói về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, chứ không cố gắng làm cho các câu này hòa với tín điều Chúa Ba Ngôi, không dựa vào Kinh Thánh. Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va không chỉ là Cha mà còn là Đức Chúa Trời của Chúa Giê-su, đấng mà Chúa Giê-su cũng thờ phượng (Ma-thi-ơ 4:10; Mác 15:34; Giăng 17:3; 20:17; 2 Cô-rinh-tô 1:3). Chúa Giê-su không ngang hàng với Đức Chúa Trời.

 Bối cảnh của lời Chúa Giê-su “tôi với Cha là một” cho thấy ngài nói về sự đồng nhất trong ý định với Cha, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sau đó, ngài nói: “Cha hợp nhất với tôi và tôi hợp nhất với Cha” (Giăng 10:38). Chúa Giê-su muốn các môn đồ có cùng sự hợp nhất như vậy, vì ngài đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời cho họ: “Con cũng ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho con, để họ trở nên một, như chúng ta là một. Con hợp nhất với họ và Cha hợp nhất với con”.​—Giăng 17:22, 23.

a Chẳng hạn, trong bài nói về Taj Mahal, Bách khoa từ điển Anh Quốc (Encyclopædia Britannica) cho biết: “Hoàng đế Shah Jahān thuộc triều đại Mughal đã xây ngôi đền Taj Mahal”. Bài này cho biết thêm, ông không phải là người trực tiếp xây, nhưng “hơn 20.000 công nhân được thuê” để làm công trình này.