Đi đến nội dung

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ

Khi con ở tuổi mới lớn đánh mất lòng tin của bạn

Khi con ở tuổi mới lớn đánh mất lòng tin của bạn

 Một số thanh thiếu niên về nhà trễ hơn giờ quy định. Số khác thì lừa gạt cha mẹ, có lẽ họ nói dối hoặc trốn nhà đi chơi. Là cha mẹ, bạn có thể làm gì khi con đánh mất lòng tin của mình?

 Con mình có phải là đứa nổi loạn không?

 Đừng vội nghĩ như thế. Kinh Thánh nói: “Sự dại dột vốn buộc vào lòng con trẻ” và điều này thường được thấy qua hành động của thanh thiếu niên (Châm ngôn 22:15). Tiến sĩ Laurence Steinberg viết: “Con ở tuổi mới lớn thường có một số quyết định hấp tấp và dại dột. Chúng khó tránh khỏi việc mắc lỗi”. a

 Nói sao nếu con lừa gạt mình?

 Đừng kết luận là con bày ra chiêu trò để thách thức mình. Nghiên cứu cho thấy các em ở tuổi mới lớn rất quan tâm đến việc cha mẹ nghĩ gì về mình, cho dù không thể hiện điều đó. Hẳn con thất vọng và buồn khi đánh mất lòng tin của bạn, dù có thể con không biểu hiện ra.

Như xương đã gãy vẫn có thể chữa lành và chắc khỏe như ban đầu, lòng tin đã đánh mất cũng vậy

 Nguyên nhân là do đâu?

  •    Có phải do môi trường của con? Kinh Thánh nói: “Kết hợp với người xấu sẽ làm hư hỏng những thói quen tốt” (1 Cô-rinh-tô 15:33). Thật vậy, bạn bè có ảnh hưởng lớn đến thanh thiếu niên. Ngoài ra những yếu tố khác cũng tác động, bao gồm mạng xã hội và chương trình quảng cáo. Hơn nữa, các em còn thiếu kinh nghiệm trong đời sống nên dễ có quyết định thiếu khôn ngoan. Dĩ nhiên, để trở thành người có trách nhiệm sau này thì các em phải tập chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

  •    Có phải do lỗi của mình? Có lẽ bạn băn khoăn có phải do mình quá nghiêm khắc nên làm cho con có cách cư xử không đúng, hay do mình quá dễ dãi và cho con quá nhiều tự do. Thay vì cứ tự vấn về những điều có lẽ mình đã làm sai, hãy suy nghĩ về cách bạn có thể giúp con.

 Làm thế nào để giúp con lấy lại lòng tin của mình?

  •   Kiềm chế cảm xúc. Có lẽ con nghĩ là bạn sẽ giận. Sao không phản ứng theo cách khác? Hãy bình tĩnh thảo luận với con về nguyên nhân của vấn đề. Có phải do con tò mò, buồn chán, cô đơn hay rất cần có bạn? Dù những lý do đó không thể bào chữa cho hành động của con, nhưng hiểu về nguyên nhân của vấn đề có thể giúp bạn và con.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Phải mau nghe, chậm nói, chậm nóng giận”.​—Gia-cơ 1:19.

  •   Lý luận với con. Hãy đặt những câu hỏi như: Qua chuyện này con rút ra bài học nào? Khi đối mặt với tình huống này vào lần tới, con sẽ làm theo cách khác ra sao? Những câu hỏi như thế có thể giúp con có khả năng lý luận để biết làm gì trước các tình huống.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy sửa dạy, khiển trách, khuyên bảo, với tất cả lòng kiên nhẫn và nghệ thuật giảng dạy”.​—2 Ti-mô-thê 4:2.

  •   Cho con thấy hậu quả. Nếu bạn đưa ra hình phạt liên quan đến lỗi của con thì sẽ giúp con rút ra bài học. Ví dụ, nếu con dùng điện thoại quá nhiều và lơ là làm bài tập hoặc làm việc nhà, bạn có thể không cho con dùng điện thoại trong khoảng thời gian vừa phải.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy”.​—Ga-la-ti 6:7.

  •   Giúp con không bỏ cuộc. Đành rằng việc lấy lại lòng tin của cha mẹ không xảy ra trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, với thời gian con có thể làm được. Hãy cho con biết là con vẫn còn hy vọng. Nếu con thấy mình không bao giờ có thể tạo dựng lại lòng tin của bạn, có lẽ con không cố gắng nữa.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Đừng làm cho con cái bực tức, hầu chúng không bị ngã lòng”.​—Cô-lô-se 3:21.

a Trích từ một cuốn sách về tuổi mới lớn (You and Your Adolescent).