Đi đến nội dung

HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | GIÔ-NA-THAN

“Không điều gì có thể cản Đức Giê-hô-va”

“Không điều gì có thể cản Đức Giê-hô-va”

Hãy hình dung một đồn trú của quân đội nằm trơ trọi, hướng về phía vùng đất cằn cỗi và dốc đá lởm chởm. Trong khung cảnh tẻ nhạt ấy, nhóm lính Phi-li-tia đóng quân tại đó chợt phát hiện một điều khác lạ: Hai người đàn ông Y-sơ-ra-ên đang đứng bên kia khe núi. Nhóm lính Phi-li-tia cười khẩy, chẳng thấy chút đe dọa nào. Từ lâu, dân Y-sơ-ra-ên đã bị người Phi-li-tia thống trị. Dân Y-sơ-ra-ên buộc phải đến gặp kẻ thù ấy để mài công cụ làm nông, nên quân lính của họ có ít vũ khí. Hơn nữa, trước mắt nhóm lính Phi-li-tia chỉ là hai người đàn ông. Cho dù hai người này là những chiến binh được trang bị vũ khí thì họ có thể làm được gì? Do đó, người Phi-li-tia nói với giọng khinh thường: “Hãy lên đây, chúng ta sẽ dạy các ngươi một bài học!”.​—1 Sa-mu-ên 13:19-​23; 14:11, 12.

Đúng là có người phải lãnh một bài học, nhưng không phải hai người kia mà chính là nhóm lính Phi-li-tia ấy. Hai người Y-sơ-ra-ên chạy xuống và băng qua khe núi. Sau đó, họ leo lên vách đá trước mặt. Vách đá dốc đến nỗi họ phải leo lên bằng cả tay và chân. Dù vậy, họ tiếp tục đi, leo qua những tảng đá và tiến thẳng đến đồn trú (1 Sa-mu-ên 14:13). Lúc này, nhóm lính Phi-li-tia mới thấy người đàn ông dẫn đầu có vũ khí và người mang vũ khí của ông thì theo sau. Nhưng có thật là người đàn ông này dẫn theo một người để tấn công cả một nhóm lính không? Ông ta có bị điên không?

Hoàn toàn không. Người đàn ông đó có đức tin rất lớn. Tên ông là Giô-na-than, câu chuyện của ông vẫn để lại nhiều bài học cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính ngày nay. Dù không tham gia chiến tranh nhưng qua gương của Giô-na-than, chúng ta có thể học được nhiều về lòng can đảm, sự trung thành và tinh thần bất vị kỷ. Đó là những phẩm chất mà chúng ta cần có để xây dựng đức tin thật.​—Ê-sai 2:4; Ma-thi-ơ 26:51, 52.

Người con trung thành và chiến binh can đảm

Để hiểu lý do Giô-na-than đến tấn công đồn trú đó, chúng ta cần xem xét hoàn cảnh xuất thân của ông. Giô-na-than là con trai cả của Sau-lơ, vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên. Khi Sau-lơ được xức dầu làm vua, Giô-na-than đã là một người trưởng thành, có lẽ ít nhất 20 tuổi. Dường như Giô-na-than rất gần gũi với cha, và Sau-lơ cũng thường trò chuyện tâm tình với người con trai ấy. Lúc đó, Giô-na-than thấy cha mình không chỉ là một người đàn ông cao ráo và đẹp trai, một chiến binh can đảm nhưng quan trọng hơn, ông còn là người có đức tin mạnh mẽ và rất khiêm nhường. Giô-na-than có thể thấy lý do Đức Giê-hô-va chọn Sau-lơ làm vua. Ngay cả nhà tiên tri Sa-mu-ên cũng nói rằng trong xứ ấy, chẳng có ai giống như Sau-lơ.​—1 Sa-mu-ên 9:​1, 2, 21; 10:20-​24; 20:2.

Hẳn Giô-na-than cảm thấy vinh dự khi được chiến đấu dưới sự chỉ đạo của cha để chống lại kẻ thù của dân Đức Chúa Trời. Những cuộc chiến này không xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc như các cuộc xung đột hiện nay. Thời đó, Đức Giê-hô-va chọn dân Y-sơ-ra-ên để đại diện cho ngài. Dân này liên tục bị các nước thờ thần giả tấn công. Dân Phi-li-tia, là những người bị bại hoại vì thờ các thần như Đa-gôn, cũng thường cố đàn áp hoặc thậm chí hủy diệt dân được chọn của Đức Chúa Trời.

Vì thế, với những người như Giô-na-than, chiến đấu đồng nghĩa với trung thành phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và ngài đã ban phước cho nỗ lực của ông. Không lâu sau khi lên ngôi, Sau-lơ đã bổ nhiệm con trai ông chỉ huy 1.000 quân. Giô-na-than dẫn đạo quân này đến đánh nhóm lính Phi-li-tia ở Ghê-ba. Dù có ít vũ khí nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, Giô-na-than đã giành chiến thắng. Sau khi thất bại, người Phi-li-tia tập hợp một đạo quân hùng hậu. Nhiều quân lính của vua Sau-lơ sợ hãi, một số chạy trốn, thậm chí một số còn theo phe quân thù. Nhưng Giô-na-than không bao giờ đánh mất sự can đảm.​—1 Sa-mu-ên 13:​2-7; 14:21.

Vào ngày diễn ra cuộc chiến được miêu tả ở đầu bài, Giô-na-than quyết định là âm thầm đi đến đồn trú của người Phi-li-tia ở Mích-ma cùng người mang vũ khí. Khi họ gần đến nơi thì Giô-na-than tiết lộ kế hoạch với người mang vũ khí. Họ sẽ lộ diện trước mặt nhóm lính Phi-li-tia. Nếu nhóm lính ấy thách thức hai người đi lên đánh chúng thì đó là dấu hiệu cho thấy Đức Giê-hô-va sẽ giúp các tôi tớ ngài. Người mang vũ khí sẵn sàng làm theo, có lẽ nhờ được thúc đẩy bởi những lời mạnh mẽ của Giô-na-than: “Không điều gì có thể cản Đức Giê-hô-va ra tay giải cứu, dù ngài dùng nhiều hay ít người” (1 Sa-mu-ên 14:​6-​10). Lời này có nghĩa gì?

Giô-na-than hiểu rõ Đức Chúa Trời của mình. Hẳn ông biết rằng trước đây Đức Giê-hô-va từng giúp dân ngài đánh bại quân thù dù chúng vượt trội hơn họ về số lượng. Thậm chí đôi khi, ngài dùng một cá nhân để mang lại chiến thắng (Quan xét 3:​31; 4:​1-​23; 16:23-​30). Do vậy, Giô-na-than hiểu rằng điều quan trọng không phải là số lượng, sức mạnh hoặc vũ khí của các tôi tớ Đức Chúa Trời, nhưng quan trọng là đức tin của họ. Vì thế, bằng đức tin, Giô-na-than đã để Đức Giê-hô-va quyết định là ông và người mang vũ khí có nên tấn công đồn trú của người Phi-li-tia hay không. Ông đã chọn một dấu hiệu để biết quyết định của Đức Giê-hô-va. Khi thấy dấu hiệu chứng tỏ Đức Giê-hô-va chấp nhận, Giô-na-than đã can đảm tiến lên.

Hãy lưu ý hai khía cạnh trong đức tin của Giô-na-than. Thứ nhất, ông có lòng kính sợ sâu xa với Đức Chúa Trời của mình là Đức Giê-hô-va. Ông hiểu rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng không phụ thuộc vào sức mạnh của con người để thực hiện ý định của ngài, nhưng ngài vui khi ban phước cho những người trung thành phụng sự ngài (2 Sử ký 16:9). Thứ hai, trước khi hành động, Giô-na-than đã tìm bằng chứng cho thấy sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va. Ngày nay, chúng ta không tìm kiếm các dấu hiệu siêu nhiên từ Đức Chúa Trời để biết ngài có chấp nhận hành động của mình hay không. Vì có trọn bộ Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời nên chúng ta có tất cả những gì cần thiết để nhận biết ý muốn của ngài (2 Ti-mô-thê 3:​16, 17). Chúng ta có cẩn thận nghiên cứu Kinh Thánh trước khi đưa ra quyết định quan trọng không? Nếu làm thế, chúng ta cho thấy mình chú tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời hơn ý muốn của bản thân, giống như Giô-na-than.

Chiến binh ấy và người mang vũ khí nhanh chóng leo lên dốc đá để tiến đến đồn trú. Lúc đó, nhóm lính Phi-li-tia nhận ra rằng mình đang bị tấn công nên phái quân ra chiến đấu với hai người lạ mặt. Nhóm lính Phi-li-tia không chỉ đông hơn mà còn có lợi thế vì đang ở vị trí cao hơn. Do vậy, lẽ ra chúng có thể nhanh chóng tiêu diệt hai người tấn công ấy. Nhưng Giô-na-than đã quật ngã từng tên một, rồi người mang vũ khí giết chúng phía sau ông. Trên một khu đất nhỏ, hai người đàn ông này đã hạ gục 20 tên lính. Nhưng Đức Giê-hô-va còn làm hơn thế nữa. Kinh Thánh nói: “Nỗi khiếp sợ lan khắp trại quân và giữa mọi kẻ trong đồn trú, ngay cả các nhóm đột kích cũng kinh hãi. Đất bắt đầu rúng động và nỗi khiếp sợ từ Đức Chúa Trời giáng xuống”.​—1 Sa-mu-ên 14:15.

Giô-na-than dẫn theo một người để tấn công cả một nhóm lính được trang bị vũ khí

Từ xa, Sau-lơ và người của ông thấy cảnh hỗn loạn trong trại quân Phi-li-tia, thậm chí chúng bắt đầu đánh giết lẫn nhau (1 Sa-mu-ên 14:16, 20). Người Y-sơ-ra-ên can đảm tấn công quân thù, có lẽ họ đã lấy vũ khí từ những tên lính Phi-li-tia bị giết. Đức Giê-hô-va đã ban cho dân ngài chiến thắng vẻ vang vào ngày ấy. Từ đó đến nay, ngài vẫn không thay đổi. Nếu đặt đức tin nơi ngài giống như Giô-na-than và người mang vũ khí của ông thì chúng ta không bao giờ phải hối tiếc vì sự lựa chọn của mình.​—Ma-la-chi 3:6; Rô-ma 10:11.

“Người đã hành động cùng Đức Chúa Trời”

Về phần Sau-lơ, chiến thắng đó đã không mang lại sự vẻ vang cho ông giống như cho Giô-na-than. Sau-lơ đã mắc một số sai lầm nghiêm trọng. Ông không nghe lời Sa-mu-ên, nhà tiên tri thuộc dòng Lê-vi được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Ông đã dâng vật tế lễ mà đáng lẽ phải do nhà tiên tri này dâng. Khi Sa-mu-ên đến, ông nói với Sau-lơ rằng vương quyền của vua sẽ không vững bền vì vua đã bất tuân. Sau đó, khi Sau-lơ phái người của mình ra chiến trường, trước tiên ông bắt họ thề một điều vô lý: “Đáng rủa thay kẻ nào ăn bất cứ thứ gì trước chiều tối, trước khi ta báo trả xong những kẻ thù mình!”.​—1 Sa-mu-ên 13:10-14; 14:24.

Lời của Sau-lơ cho thấy ông bắt đầu thay đổi theo chiều hướng xấu. Có phải người đàn ông khiêm nhường và thiêng liêng tính này đang trở thành kẻ kiêu ngạo và tham vọng không? Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va chưa bao giờ chỉ dẫn Sau-lơ đặt ra sự hạn chế phi lý như thế cho những người lính can đảm và siêng năng ấy. Hơn nữa, Sau-lơ cũng nói: “Trước khi ta báo trả xong những kẻ thù mình”. Có phải lời này cho thấy Sau-lơ nghĩ rằng cuộc chiến ấy nhằm mang lại lợi ích cho ông không? Phải chăng ông đã quên rằng điều quan trọng là công lý của Đức Giê-hô-va, chứ không phải là lòng khao khát trả thù, vinh quang hoặc chiến thắng của mình?

Giô-na-than không hay biết gì về lời thề thiếu suy xét của cha. Vì bị kiệt sức sau cuộc chiến căng thẳng, ông đã nhúng đầu gậy vào tàng ong và nếm một chút mật, ngay lúc đó ông cảm thấy khỏe lại. Rồi một người lính cho ông biết về lệnh cấm của Sau-lơ. Giô-na-than bèn đáp: “Cha tôi đã gây rắc rối lớn cho xứ. Hãy xem mắt tôi sáng thế nào sau khi nếm chút mật ong! Nếu hôm nay mọi người được ăn thoải mái chiến lợi phẩm từ kẻ thù thì tốt hơn biết mấy! Khi ấy, sẽ có nhiều tên Phi-li-tia bị giết hơn” (1 Sa-mu-ên 14:25-30). Giô-na-than đã đúng. Ông là một người con trung thành nhưng lòng trung thành ấy không mù quáng. Không phải lúc nào ông cũng đồng tình với những điều cha mình nói hoặc làm. Quan điểm thăng bằng đó khiến Giô-na-than được người khác kính trọng.

Khi biết Giô-na-than vi phạm lệnh cấm, Sau-lơ vẫn không chịu thừa nhận đó là mệnh lệnh dại dột. Thay vì thế, ông quả quyết rằng con trai mình phải bị xử tử. Giô-na-than không tranh cãi hoặc xin được thương xót. Hãy xem lời đáp đáng chú ý của ông. Giô-na-than nói: “Con đây sẵn sàng chịu chết!”. Tuy nhiên, những người Y-sơ-ra-ên lên tiếng: “Giô-na-than, người đã mang lại chiến thắng vẻ vang này cho Y-sơ-ra-ên mà phải chết sao? Không thể được! Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, ngay cả một sợi tóc trên đầu người cũng sẽ không rơi xuống đất, vì hôm nay người đã hành động cùng Đức Chúa Trời”. Kết quả là gì? Sau-lơ đã nghe theo. Kinh Thánh cho biết: “Nhờ thế, họ cứu Giô-na-than và ông thoát chết”.​—1 Sa-mu-ên 14:43-45.

“Con đây sẵn sàng chịu chết!”

Nhờ lòng can đảm, sự siêng năng và tinh thần bất vị kỷ, Giô-na-than đã tạo dựng một danh tiếng tốt. Khi ông ở trong tình thế nguy hiểm, danh tiếng tốt đã cứu mạng ông. Chúng ta cần nghĩ đến danh tiếng mà mình tạo dựng ngày qua ngày. Kinh Thánh nói rằng danh tiếng tốt là điều quý giá (Truyền đạo 7:1). Giống như Giô-na-than, nếu chúng ta tạo dựng danh tiếng tốt trước mắt Đức Giê-hô-va thì danh tiếng đó sẽ rất quý báu.

Tinh thần xấu xa ngày càng phát triển

Dù Sau-lơ mắc sai lầm nhưng Giô-na-than vẫn trung thành chiến đấu bên cha nhiều năm. Chúng ta có thể hình dung nỗi thất vọng của Giô-na-than khi thấy cha mình ngày càng bất tuân và kiêu ngạo. Tinh thần xấu xa đang phát triển trong con người của Sau-lơ, và Giô-na-than chẳng thể làm gì để ngăn cản điều ấy.

Tinh thần xấu xa của Sau-lơ được bộc lộ rõ nhất khi Đức Giê-hô-va phái ông đi đánh dân A-ma-léc. Đó là dân gian ác đến mức vào thời Môi-se, ngài báo trước sẽ diệt hết dân này (Xuất Ai Cập 17:14). Ngài bảo Sau-lơ hủy diệt tất cả vật nuôi và vua của dân ấy là A-gác. Sau-lơ đã giành chiến thắng, hẳn là với sự trợ giúp đầy can đảm của Giô-na-than dưới sự chỉ huy của ông như mọi khi. Nhưng Sau-lơ trắng trợn bất tuân với Đức Giê-hô-va khi tha mạng cho A-gác và giữ lại mọi vật nuôi tốt nhất. Nhà tiên tri Sa-mu-ên tuyên bố phán quyết cuối cùng của Đức Giê-hô-va dành cho Sau-lơ: “Vì vua đã chối bỏ lời phán của Đức Giê-hô-va nên ngài chối bỏ vua, không cho vua trị vì nữa”.​—1 Sa-mu-ên 15:2, 3, 9, 10, 23.

Ít lâu sau, Đức Giê-hô-va lấy đi thần khí thánh khỏi Sau-lơ. Khi không có sự tác động yêu thương của Đức Giê-hô-va, Sau-lơ có tâm trạng thất thường, dễ nổi giận và khiếp sợ. Điều đó như thể Đức Chúa Trời đã thay thế tinh thần tốt trong ông bằng tinh thần xấu (1 Sa-mu-ên 16:14; 18:10-​12). Chắc hẳn Giô-na-than rất đau khổ khi thấy người cha ưu tú ngày nào giờ lại thay đổi khủng khiếp như thế. Tuy nhiên, Giô-na-than không bao giờ ngưng trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Dù ủng hộ cha mình đến mức có thể, có khi còn thẳng thắn nói chuyện với cha, nhưng ông chú tâm vào Đức Chúa Trời và Cha của mình là Đức Giê-hô-va, đấng không bao giờ thay đổi.​—1 Sa-mu-ên 19:​4, 5.

Anh chị có từng chứng kiến người mình yêu quý, có lẽ là người thân, thay đổi theo chiều hướng xấu không? Điều đó có thể rất đau lòng. Gương của Giô-na-than nhắc chúng ta nhớ đến lời sau này của người viết Thi thiên: “Dẫu cho cha mẹ có ruồng bỏ tôi, Đức Giê-hô-va sẽ đón nhận tôi” (Thi thiên 27:10). Đức Giê-hô-va là đấng thành tín. Con người bất toàn có thể khiến anh chị thất vọng nhưng Đức Giê-hô-va thì không. Ngài luôn là Cha tốt nhất và sẽ đón nhận anh chị.

Rất có thể Giô-na-than biết Đức Giê-hô-va có ý định truất ngôi của Sau-lơ. Giô-na-than phản ứng ra sao? Ông có nghĩ nếu lên ngôi thì ông sẽ là vị vua như thế nào không? Ông có ấp ủ hy vọng sửa đổi một số sai lầm của cha và nêu gương tốt với tư cách là một vị vua trung thành, vâng phục không? Chúng ta không đọc được suy nghĩ của Giô-na-than, chỉ biết là ông đã không lên ngôi. Có phải điều này có nghĩa là Đức Giê-hô-va từ bỏ người đàn ông trung thành ấy? Không. Trái lại, ngài đã dùng Giô-na-than để nêu gương xuất sắc về tình bạn trung thành được ghi lại trong Kinh Thánh. Tình bạn đó sẽ được nói đến trong một bài khác về Giô-na-than.